Cần hạn chế lấy uy tín bệnh viện lớn để xây dựng lợi ích nhóm
Xung quanh câu chuyện xóa bỏ giường dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều chuyên gia lên tiếng ủng hộ cách làm này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hiện nay gánh nặng “tự chủ” khiến các bệnh viện phải đẩy mạnh xã hội hóa, khám chữa bệnh theo yêu cầu, do đó cần có tiêu chí hài hòa để giải được bài toán này, tránh tình trạng tận thu từ dịch vụ.
Phóng viên có cuộc trao đổi với thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & đào tạo quản trị doanh nghiệp (BR&T) – ĐH Bách Khoa TPHCM về vấn đề này.
Có chuyên gia nói rằng không ở đâu như Việt Nam xây dựng mô hình các bệnh viện công không ra công, tư không ra tư, càng bệnh viện lớn thì càng theo yêu cầu mở rộng còn bệnh viện tuyến nhỏ thì sống lay lắt, bệnh viện tư cũng khó phát triển, điều này có đúng không thưa anh?
Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân: Tất cả những điều trên là hệ lụy của mô hình phân tuyến y tế theo ý tưởng bao cấp y tế toàn dân mà các quốc gia đeo đuổi ở các thập niên 1900-1950. Các quốc gia đã nhận thấy sự bất cập này và đã có một quá trình chuyển đổi mô hình trong khoảng 50 năm nay. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa có quốc gia nào dám tuyên bố mô hình y tế của mình là hoàn hảo. Chuyện mô hình là câu chuyện còn dài.
Câu chuyện của y tế Việt Nam là làm sao để hạn chế được sự bất cập của mô hình phân tuyến, thực hiện việc chuyển đổi nó. Nhưng chuyển đổi thành cái gì thì chưa được định hình một cách rõ nét! Có thể về mặt chiến lược chúng ta đã có định hình, nhưng ở góc độ quan sát, thì chưa thấy được ý định và động thái gì rõ nét.
Ảnh minh họa |
Việc chúng ta cần làm cho phù hợp với thời điểm hiện nay:
- Hạn chế sự lạm dụng uy tín của các bệnh viện lớn để hình thành các hợp tác công tư theo hướng trục lợi, lợi ích nhóm. Nó sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự gẫy đổ của mô hình phân tuyến. Bởi sự đầu tư theo hướng trục lợi ăn xổi, sẽ nhắm vào những cái gì dễ ăn, mà những thứ đó sẽ là giẫm chân lên hệ thống tuyến dưới, tranh giành bệnh nhân với tuyến dưới.
- Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân cho các vùng trũng về y tế. Không thể chờ đợi được ngân sách địa phương. Vì địa phương đã nghèo rồi thì tiền đâu dành cho y tế. Nhưng nhu cầu y tế thì không có phân biệt địa phương giàu hay nghèo, nên y tế tư nhân sẽ biết cách tính toán đầu tư cái gì cho hiệu quả. Nếu chúng ta thiết kế chính sách tốt, nguồn vốn từ tư nhân sẽ là cứu cánh cho y tế tuyến cơ sở vốn đang là điểm nghẽn tạo nên sự vượt tuyến điều trị trong toàn xã hội.
- Y tế Việt Nam không còn cách nào khác là phải đa dạng các loại hình đầu tư từ xã hội (BT, BOT, PPP). Nhưng thách thức của nó đang nằm ở năng lực thiết kế chính sách. Để chính sách thực sự là để khuyến khích, không phải là công cụ để trục lợi, là nút thắt hiện nay.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý bệnh viện, nhiều lãnh đạo bệnh viện viện tâm sự các đơn vị này rất khó khăn nguồn thu khi phải tự chủ, cho nên phải phát triển dịch vụ?Tuy nhiên, nếu lấy cớ vì nguồn thu để “tận thu” phát triển dịch vụ lên tới 60% quỹ giường bệnh thì có đúng hay không trong khi giường khu BHYT lại đang thiếu nghiêm trọng?
Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân: Một bệnh viện muốn thu dịch vụ gì, cái gì, giá bao nhiêu, muốn dành bao nhiêu giường cho dịch vụ,… phải làm một đề án và phải thông qua hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, sở ban ngành địa phương, không có đơn giản là muốn làm gì thì làm. Và đương nhiên, làm khác đề án phê duyệt là làm sai.
Tuy nhiên, việc này đang gây ra sự lúng túng cho các cơ quan địa phương, bởi họ cũng không biết dựa vào đâu để phê duyệt cái đề án này. Do đó, thực tế nó phụ thuộc vào năng lực thuyết phục của ban giám đốc bệnh viện với các cơ quan chức năng địa phương (không hiểu sâu về y tế). Từ đó xảy ra chuyện có nơi làm được chuyện này có nơi không.
Để giải quyết việc này tốt hơn. Bộ Y tế cần xây dựng một bộ tiêu chí để quy định bệnh viện nào, năng lực thế nào, và được dành bao nhiêu nguồn lực cho dịch vụ. Giúp cho địa phương có một cơ sở tham chiếu tốt hơn. Và cũng để Ban giám đốc bệnh viện không phải “đi trên dây” vì mọi thứ có thể “sáng đúng chiều sai”, công thần hay tội đồ không biết được.
Khánh Chi
Dịch vụ y tế và 'tận thu' trong ngành y cần xoá bỏ ngay
Việc Bệnh viện Bạch Mai tuyên bố xoá giường dịch vụ nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia y tế, các giám đốc, người công tác trong ngành y cũng như dư luận.