Cán bộ chấm thi tốt nghiệp THPT phải 'đúng vai, thuộc bài, không sáng tạo'
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, mỗi cán bộ tham gia từng khâu của quá trình chấm thi phải đúng vai, thuộc bài, không sáng tạo trong quá trình thực thi công việc.
Liên quan tới công tác chấm thi tốt nghiệp THPT, tại Bắc Giang, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra công tác chấm thi và giao trách nhiệm đến từng cán bộ. Trong đó, 1 thành viên giám sát công tác làm phách, 2 thành viên giám sát chấm trắc nghiệm và 10 thành viên giám sát chấm tự luận.
Với công tác phúc khảo và xét tốt nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã thành lập hai đoàn thanh tra công tác chấm phúc khảo bài thi và xét tốt nghiệp, mỗi đoàn có 3 thành viên. Tổ giám sát gồm 2 thành viên thực hiện việc giám sát Đoàn thanh tra ở các khâu của kỳ thi.
Công tác chấm thi được Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt, quy củ theo đúng Quy chế. Ban Chấm thi tự luận có 202 thành viên, chấm kiểm tra theo đúng yêu cầu tại điều 30 của Quy chế thi, chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi.
Ban Chấm thi trắc nghiệm 21 thành viên, được bố trí 1 phòng thực hiện việc bảo quản bài thi trắc nghiệm, chấm thi trắc nghiệm; được lắp đặt camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động bên trong phòng 24 giờ/ngày, bố trí các hòm tôn chắc chắn có khóa để bảo quản bài thi. Hệ thống phương tiện, thiết bị chuẩn bị cho công tác chấm thi trắc nghiệm gồm 4 máy quét, 5 máy tính có cấu hình đáp ứng đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ chấm bài thi trắc nghiệm.
Ban chấm thi của tỉnh Bắc Giang cũng giao nhiệm vụ, trách nhiệm đến từng cá nhân tham gia lực lượng trực, bảo vệ, giám sát phòng bảo quản bài thi, chấm thi ở cả hai khu vực chấm thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, đúng Quy chế thi và văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại Thái Bình đảm bảo đúng quy chế |
Tại Thái Bình, địa phương này cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đảm bảo tốt công tác an ninh, an toàn khu vực làm phách bài thi tự luận và các khu vực chấm thi theo yêu cầu của Quy chế thi và Hướng dẫn tổ chức kỳ thi.
Riêng đối với bài thi tự luận môn Ngữ văn, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Thái Bình thực hiện làm phách một vòng độc lập.
Tại Đà Nẵng, theo báo cáo của Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thành phố có 12.686 thí sinh dự thi tại 30 điểm thi với 532 phòng thi. Thành phố đã huy động 2.721 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi.
Nhân sự tham gia công tác chấm thi được lựa chọn theo tiêu chuẩn, điều kiện của quy chế thi, quy định và tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể, Ban chấm thi tự luận gồm 149 thành viên; Ban chấm thi trắc nghiệm gồm 26 thành viên.
Khu vực làm phách, khu vực chấm thi được bố trí cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc phương tiện kỹ thuật đảm bảo an ninh, an toàn theo quy định; có công an bảo vệ, cán bộ giám sát, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, công tác phòng chống dịch bệnh và dự phòng các tình huống bất thường khác.
Cán bộ chấm thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo đúng quy định. |
Từ ngày 10/7, Ban làm phách bài thi tự luận bắt đầu làm việc, thực hiện quy trình làm phách, giao nhận bài thi đúng theo hướng dẫn và quy chế thi của Bộ GDĐT. Công tác chấm thi tự luận bắt đầu từ sáng 12/7. Công tác chấm thi trắc nghiệm bắt đầu từ ngày 10/7. Theo đánh giá ban đầu, tiến độ chấm thi diễn ra khá nhanh.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, các phương tiện phục vụ cho quá trình chấm thi, nhất là đối với các phương tiện giám sát, ghi hình phải đảm bảo hoạt động xuyên suốt (24/24h) trong toàn bộ quá trình thực hiện chấm thi.
Các cán bộ tham gia tất cả các khâu của quá trình chấm thi phải thực hiện đúng quy trình đã quy định, những vị trí ghi nhật ký phải ghi đầy đủ, chi tiết, không được bỏ lỡ bất kỳ chi tiết nào. Phân công, phân nhiệm rõ ràng từng người, từng vị trí công việc.
Để đảm bảo một kỳ thi công bằng, nghiêm túc, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc mỗi cán bộ tham gia từng khâu của quá trình chấm thi phải đúng vai, thuộc bài, không sáng tạo trong quá trình thực thi công việc.
“Quá trình chấm thi phải thực hiện tuần tự, đúng tiến độ, đảm bảo khung thời gian đã được Bộ GD&ĐT đưa ra. Chấm thi nghiêm túc, nhưng cũng phải đảm bảo tiến độ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cho rằng, các địa điểm chấm thi đã đảm bảo các vòng bảo vệ theo quy định, tuy nhiên, không vì thế mà lơ là ở bất kỳ khâu nào dẫn đến những sai sót không đáng có, làm ảnh hưởng đến kết quả của toàn bộ quá trình tổ chức thi.
* Đề nghị không copy bài viết khi chưa được Infonet chấp thuận bằng văn bản!
Hoàng Thanh