Căn bệnh khiến 700 học sinh ở Bắc Kạn mắc nguy hiểm thế nào?
Gia tăng trẻ bị cúm mùa
Cụ thể từ đầu tuần vừa qua trung bình mỗi ngày toàn huyện Chợ Đồn có trên 600 học sinh nghỉ học vì bị sốt cao. Có số lượng học sinh nghỉ học nhiều nhất liên quan đến dịch sốt là Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng và trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Chợ Đồn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn Vi Duy Tuyến cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy dịch bệnh trên học sinh tại Chợ Đồn là dịch cúm B.
Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch liên chi hội bệnh truyền nhiễm TP.HCM cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho…
Hiện nay ở Việt Nam chủ yếu lưu hành 2 chủng cúm gọi là A và B. Bệnh cúm khác với cảm cúm, cảm lạnh và có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng. Bệnh có thể tự khỏi sau 3-5 ngày.
Theo bác sĩ Khanh, những trẻ có bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm phế quản co thắt, tim mạch thì khi nhiễm cúm có thể làm khởi phát một đợt bệnh mới. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cũng cảnh báo cúm mùa đông xuân là bệnh lý hô hấp phức tạp, nhiều trẻ phải nhập viện điều trị theo dõi. Cúm B đa phần là tự khỏi, điều trị theo triệu chứng như sốt sử dụng hạ sốt, ho uống siro ho.
Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây bắt đầu xuất hiện những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột.
Trẻ có thể nhập viện trong tình trạng sốt, viêm đường hô hấp, ho, khò khè, lơ mơ, co giật, xét nghiệm cúm dương tính. Thậm chí, có trường hợp trẻ bị biến chứng viêm não sau khi nhiễm cúm khoảng từ ngày thứ 3 đến thứ 10.
Theo BS Nguyễn Trần Nam – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM hàng năm khi thời tiết khô lạnh (cuối năm) sẽ có nhiều người bị cúm hơn. Đây là thời gian đường hô hấp bị ảnh hưởng nhiều vì nhiệt độ giảm, độ ẩm giảm. Các virus cúm cũng là thời điểm chúng phát triển và tấn công hệ hô hấp của con người.
Khi nhiễm cúm nếu mắc cảm cúm thông thường người bệnh thường chỉ chảy nước mũi, đau họng, hơi sốt nhẹ. Nhưng khi mắc virus cúm A, B có thể gây triệu chứng nặng hơn, tạo thành biến chứng nặng như viêm phổi, tiêu chảy. Nhiều trẻ vào viện nhiễm cúm và cộng thêm nhiễm trùng hô hấp khác khiến tình trạng của trẻ nặng hơn.
Virus cúm ở trẻ dễ lây lan?
Trẻ em nguy cơ mắc cúm cao hơn người lớn và diễn tiến thường nặng hơn. Theo bác sĩ Nam, trẻ dễ nhiễm cúm do các nguyên nhân:
Thứ nhất, thói quen vệ sinh đường hô hấp chưa tốt. Trẻ em khi đi học ở trong môi trường đông đúc, khả năng lây lan rất nhanh. Nếu 1 trẻ ho, hắt hơi có thể lây cho các trẻ khác. Cúm có thời gian ủ bệnh ngắn nên chỉ 1, 2 ngày sau trẻ đã có các triệu chứng rầm rộ.
Thứ hai, bác sĩ Nam cho rằng mỗi năm có 1 chủng hoạt động với các biến thể khác nhau nên sức đề kháng của trẻ chưa tốt để chống lại chúng.
Thứ ba, ở trẻ dưới 3 tuổi, thói quen của người lớn như hôn trẻ, động tác tiếp xúc gần này làm tăng nguy cơ nhiễm virus cho trẻ. Vì người lớn đôi khi mắc virus cúm nhưng triệu chứng nhẹ, không điển hình nên dễ lây cho trẻ.
Khi trẻ đi học với điều kiện cúm lây lan như hiện nay, bác sĩ Nam cho biết, cách tốt nhất cha mẹ nên vệ sinh đường hô hấp cho trẻ, trẻ cần đeo khẩu trang và rửa tay. Rửa tay là cách rất tốt phòng bệnh vì bàn tay chạm vào nhiều vi trùng, virus sau đó giơ tay lên mặt là cách đưa virus vào mũi, miệng.
Thầy cô giáo nên tạo thói quen cho trẻ rửa tay đặc biệt trước – sau ăn uống, khi tiếp xúc khu vui chơi. Trẻ có biểu hiện ho, hắt hơi cần dạy trẻ che miệng khi ho.
Với trẻ có biểu hiện ho, sốt, bác sĩ Nam khuyến cáo trẻ nên ở nhà để tránh lây lan cho bạn bè. Trẻ cần tiêm phòng vắc xin cúm để tránh bệnh cúm, vắc xin này có thể bảo vệ trẻ trong 1 năm và có tác dụng chỉ 5 ngày sau tiêm.
Khánh Chi