Cách nuôi giấm chuối, nuôi mẻ đơn giản tại nhà tạo gia vị đặc biệt cho gian bếp
Giấm, mẻ là hai gia vị chua đặc biệt của nhà bếp. Nếu bạn muốn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiện dụng thì có thể tự nuôi giấm chuối, nuôi mẻ tại nhà theo hướng dẫn dưới đây nhé!
1. Cách nuôi giấm chuối đơn giản
Giấm là gia vị chua trong rất nhiều món ăn của người Việt. Giấm có nhiều loại như giấm gạo, giấm táo, giấm trắng... và giấm chuối. Trong đó, giấm chuối có cách làm đơn giản, tận dụng nguyên liệu sẵn có trong bếp mà ai cũng làm được.
Giấm chuối có vị thanh, mùi thơm dễ chịu. |
Nguyên liệu làm giấm chuối bao gồm: 3 quả chuối tiêu chín, nửa chén rượu gạo 35 độ, 2 muỗng đường, 1 lít nước sôi để nguội, nước dừa 1 trái. Chuẩn bị dụng cụ gồm 1 lọ thủy tinh và 1 miếng vải xô.
Cách làm:
Rửa sạch bình thủy tinh, tiệt trùng bằng nước sôi.
Bóc vỏ chuối tiêu rồi thái thành miếng.
Hòa tan đường với 1 lít nước sôi để nguội.
Đổ vào bình thủy tinh các loại rượu gạo, nước đường, vào trong bình, nước dừa. Cuối cùng bỏ thêm chuối đã thái vào rồi dùng miếng vải xô đậy kín bình để từ 3-5 ngày.
Sau thời gian ủ khoảng 5 ngày, bạn sẽ thấy bình giấm lên men, có lớp màng mỏng ở bên trên đó là "con giấm" còn phần nước giấm ở dưới sẽ rất trong.
Bạn nuôi giấm tiếp 1 tuần nữa là có thể dùng nấu ăn được. Khi mở nắp bình giấm ra dùng thìa gạt bỏ lớp màng phía trên và múc phần giấm trong bên dưới.
Giấm chuối được tạo ra nhờ quá trình lên men. |
Nếu bạn muốn gây thêm giấm thì bạn múc bớt giấm ra ngoài và giữ lại phần xác chuối, giữ lại con giấm trong bình thủy tinh. Sau đó hòa thêm nước giấm với tỷ lệ 1 cốc rượu trắng, 2 muỗng đường, 2 cốc nước hòa tan chúng với nhau rồi đổ thêm vào bình giấm và đậy nắp bằng vải xô lại, chỉ trong 1 tuần là bạn lại có một hũ giấm đầy, thơm ngon.
Giấm được làm từ chuối có hương vị thơm ngon, vị chua thanh, rất phù hợp với các món ăn cần thêm gia vị này.
2. Cách nuôi mẻ tại nhà không bị mốc
Mẻ chua là gia vị không thể thiếu khi nấu món giả cầy trứ danh và một số món ăn đặc sản khác. Bạn hoàn toàn có thể nuôi sẵn một lọ mẻ trong nhà để thuận tiện khi cần sử dụng chế biến món ăn.
Mẻ là gia vị đặc biệt trong gian bếp Việt. |
Nguyên liệu và dụng cụ nuôi mẻ truyền thống bao gồm: gạo tẻ, nước, bình thủy tinh.
Cách làm:
Tiệt trùng bình thủy tinh bằng nước sôi.
Vo gạo, nấu cơm cho nhiều nước để trở thành cơm nhão.
Đun sôi một ít nước vo gạo, để nguội và đổ vào bình thủy tinh đậy nắp kín.
Lấy cơm ra để nguội hẳn rồi cho vào bình thủy tinh có chứa nước gạo sao cho nước phủ đầy mặt cơm. Đậy nắp kín và để nơi khô ráo khoảng 14 ngày để cơm lên men có vị chua và mùi nồng là thành công.
Bạn có thể tự nuôi mẻ để tiện sử dụng lâu dài. |
Nếu bạn đã có sẵn mẻ cái mua ở chợ về thì chỉ cần cho mẻ vào bình thủy tinh rồi đậy nắp. Lấy một lượng cơm nguội tương đương lượng mẻ đem đi rửa qua với nước sạch rồi tiếp tục cho vào bình, đậy nắp lại. Để bình mẻ ở nơi ráo, nếu đảm bảo được nhiệt độ thì nên dao động từ 23 – 32 độ C trong vòng 7 ngày là được.
Khi mẻ gần hết, bạn chỉ cần để lại một ít trong bình thủy tinh. Sau đó, bạn cho thêm cháo gạo trắng nấu đặc, bún tươi hoặc cơm nguội vào để tiếp tục quá trình nuôi mẻ.
Sắp Tết học ngay cách làm bắp bò ngâm mắm tiêu xanh chuẩn ngon, không dai
Chỉ vài bước đơn giản bạn đã có món ăn tuyệt ngon từ bắp bò để cả nhà nhậu Tết rồi!
Ngọc Khánh (t/h)