Cách làm sạch dư lượng thuốc trừ sâu trong rau, củ quả trước khi ăn
Ngâm rau, quả trong nước muối không những không sạch mà còn giữ lại áp suất thẩm thấu. Nước muối gần như “vô tác dụng” trong việc loại trừ thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trong thực phẩm.
Tại báo cáo tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban quản lí an toàn thực phẩm TP.HCM vừa được công bố mới đây cho thấy, qua quá trình kiểm tra, Ban Quản lí an toàn thực phẩm TP.HCM phát hiện nhiều sản phẩm rau tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" chứa hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu).
Ngoài ra, qua quá trình kiểm tra sản phẩm rau, quả, trái cây tại 3 chợ đầu mối ở TP.HCM, cơ quan này đã phát hiện tỉ lệ sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khá cao.
Ban Quản lí an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm rau quả phát hiện cùng lúc tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nhiều hoạt chất (16 mẫu), trong đó có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.
Cụ thể, phát hiện 271/570 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 198 mẫu nằm trong mức giới hạn cho phép và 58 mẫu tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng, 20 mẫu vượt mức giới hạn cho phép.
Các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phát hiện chủ yếu gồm thuốc trừ bệnh (Hoạt chất Carbendazim (58 mẫu), Difenoconazole (37 mẫu), Tebuconazole (25 mẫu), Propiconazole (16 mẫu) và thuốc trừ sâu (Hoạt chất Permethrine (78 mẫu), Cypermethrine (65 mẫu), Chlorpyrifos (63 mẫu), Imidacloprid (37 mẫu).
Ảnh minh hoạ |
Trước thông tin này, người dân không khỏi lo lắng trước vấn nạn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn trong rau củ quả đang được tiêu thụ ngoài thị trường.
Câu hỏi được đặt ra, nếu không còn lựa chọn nào khác, bà nội trợ cần phải xử lý như thế nào để hạn chế thấp nhất những chất độc vẫn còn trong rau củ quả khi chế biến?
Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, tình trạng thực phẩm nói chung và rau củ quả nhiễm bảo vệ thực vật nói riêng hiện trở nên rất phổ biến.
Nguyên nhân do trong quá trình canh tác các loại rau củ quả bị sâu bệnh nên người dân phải sử dụng hoá chất. Tuy nhiên, sau khi phun, người sản xuất không tuân thủ thời gian cách ly theo đúng quy định vì thế thuốc bảo vệ thực vật còn tồn tại trong rau củ quả. Điều này dẫn đến tình trạng rau củ quả dù mang đi tiêu thụ nhưng hàm lượng chất bảo vệ thực vật cao.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng việc đi lấy mẫu chỉ đánh giá tình hình tại thời điểm đó chứ không có ý nghĩa về mặt phát hiện sự việc để xử lý. Về lâu dài phải thay đổi phương thức quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân sản xuất rau củ quả theo quy trình sản xuất rau an toàn. Đồng thời đưa ra những biện pháp kiểm soát, xử phạt nghiêm nếu có sai phạm.
“Thực ra có nghi ngờ hay không có nghi ngờ thì mình có thể nghĩ luôn rằng là rau hiện nay trồng đều có hoá chất bảo vệ thực vật. Vì vậy người dân không chờ cơ quan chức năng đánh giá loại rau này, bán ở chỗ này chỗ kia là an toàn hay không an toàn mỗi gia đình đi chợ mua rau củ quả mỗi ngày cần có biện pháp tự bảo vệ.
Bởi ngay cửa hàng đề “Rau an toàn” nhưng chưa chắc đã an toàn. Có thể họ cũng mua ở chợ về bán, chẳng có phân tích hay lấy ở vùng nào có chứng nhận rau an toàn. Chỉ là hình thức “treo đầu dê, bán thịt chó” mà thôi.
Do đó, cách tốt nhất với người dân mua về luôn luôn phải tự xử lý lấy nhằm loại bớt chất bảo vệ thực vật (nếu có) trong thực phẩm, rau củ quả”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Cụ thể, đối với rau củ quả, PGS. TS Duy Thịnh cho rằng, con đường duy nhất để làm sạch là rửa. Đầu tiên chúng ta cần loại bỏ các chỗ dập nát, vì rau bị dập nát nếu còn hoá chất bảo vệ thực vật sẽ ngấm vào các tế bào bị dập nát nhanh hơn rất nhiều so với tế bào nguyên vẹn.
“Cần cắt bỏ phần dập nát, cắt gốc, cắt rễ rồi nhẹ nhàng ngâm vào trong nước lạnh một khoảng thời gian nhất định (khoảng 5-10 phút) nếu còn hoá chất bảo vệ thực vật sẽ được tan dần ra.
Sau đó, thay nhiều lần nước. Nguyên tắc là phải rửa nhiều nước đừng cho rằng thấy rau hình thức không có đất, bùn là rất sạch mà rửa sơ sơ. Sạch ở đây là sạch hoá chất do đó cần phải rửa lâu, rửa bằng tay, lưu ý những khe cuống lá…để tách chất bẩn (không chỉ đất cát mà còn cả thuốc bảo vệ thuốc trừ sâu)”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh thông tin.
Cuối cùng nên rửa dưới vòi nước chảy để chảy đi hết. Vì nếu chỉ ngâm sau đó nhấc ray ra thì thuốc bảo vệ thực vật (nếu có) vẫn còn dính trên lá. Vì thế cần rửa dưới vòi nước ở lần rửa cuối cùng sau đó để ráo mới nấu.
“Trong quá trình rửa cần cố gắng tránh làm cho rau bị dập nát tiếp. Vì rau bị dập nát rất dễ khuếch tán những chất độc vào tế bào.
Việc làm này có tác dụng rất lớn làm giảm mức tối đa nếu như rau nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật. Không những thế làm giảm những chất bẩn khác từ ruộng mang về”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia hoá thực phẩm cũng hướng dẫn bà nội trợ không nên mua rau dập nát, héo úa. Các loại rau dạng củ (củ cải, su hào,cà rốt, khoai tây) bao giờ cũng sạch hơn rau có lá. Đối với các loại rau dạng lá thì rau trồng ở trên cạn thường sạch hơn rau ở dưới nước (rau cần, rau cải xoong…).
Nước muối gần như “vô tác dụng” trong việc loại trừ thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trong thực phẩm.
N. Huyền