Cách chăm sóc vết thương cực kỳ đơn giản bạn cần biết
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình liền vết thương. Tùy theo mức độ tổn thương, khả năng can thiệp, vị trí tổn thương trên cơ thể… có thể để lại các loại sẹo
Quá trình hồi phục vết thương da được diễn ra qua ba giai đoạn: giai đoạn phản ứng viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo tổ chức. Cả ba giai đoạn này thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng nhưng trong quá trình này bất kỳ rối loạn nào xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình liền sẹo đều ảnh hưởng đến diễn biến bình thường cũng như chất lượng của sẹo. Ngoài ra, chăm sóc vết thương để hạn chế sẹo cũng rất quan trọng.
Bác sĩ CKII Vũ Hữu Thịnh, Quản lý và Điều hành Khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đối với vết thương nhỏ, không chảy máu, không có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc nhiễm trùng nhẹ, tuỳ theo nguyên nhân, vị trí vết thương, sẽ hướng dẫn cách chăm sóc vết thương (sử dụng dụng cụ, băng gạc, dung dịch rửa vết thương…như thế nào) để làm lành vết thương.
BS Thịnh hướng dẫn đối với từng vết thương có cách xử trí khác nhau.
Ảnh minh họa. |
1. Vết thương đứt tay do sinh hoạt
Sơ cứu: Rửa sạch dưới vòi nước sạch, dùng gạc hay vải sạch băng vết thương để ngăn chảy máu.
Rửa vết thương: Xối rửa với oxy già nếu vết thương dơ, bẩn có dị vật (đất cát, dầu máy…), sau đó tưới rửa lại với nước muối sinh lý (hoặc Protosand), sau đó dùng băng cá nhân, gạc y tế, băng lại. Có thể phối hợp dùng một số thuốc uống giảm đau, kháng viêm hoặc kháng sinh.
2. Vết thương do bỏng
Tuỳ theo nguyên nhân và mức độ bỏng mà cách chăm sóc vết thương rất khác nhau.
Sơ cứu: Sẽ rất hiệu quả nếu có dầu Mù U (rất rẻ tiền, dễ bảo quản, có thể mua dự phòng khi cần thiết) bôi lên vết bỏng, vì dầu mù u có tác dụng làm mát, dịu và sát khuẩn vết bỏng da.
Với bỏng nhẹ, diện tích nhỏ có thể chăm sóc vết thương tại nhà, với nguyên tắc chính là không làm vỡ bóng nước.
Trong trường hợp bóng nước bị vỡ, thì vết thương phải được chăm sóc, rửa sạch, cũng như dùng một số loại gạc chống dính, giữ ẩm vết thương mới mau lành.
3. Vết thương có giẫm đạp, dị vật, súc vật hay côn trùng cắn
Theo BS Thịnh với các loại vết thương này nguy cơ chảy máu ít, nhưng nguy cơ nhiễm trùng, uốn ván cao, lấy bỏ dị vật nếu có thể, sơ cứu như trên. Sau đó cần phải được tiêm ngừa uốn ván, dại tại y tế địa phương.
Đối với vết thương có kích thước lớn, vấn đề ngăn ngừa tránh nhiễm trùng, trong quá trình lành thương, vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có dụng cụ và trình độ chuyên môn để theo dõi, đánh giá, xử trí. Cách chăm sóc, thay băng sẽ đòi hỏi thời gian lâu hơn, khó và phức tạp hơn, sử dụng một loại băng gạc tiên tiến mới có khả năng lành vết thương. Vậy với những vết thương có kích thước lớn như thế này, thì vấn đề là trì hoãn, tránh tình trạng nặng nề hơn là ưu tiên hàng đầu.
Viêm da do dịch tiết (do nước tiểu, phân) hay vết loét do tỳ đè độ 1,2 là hay gặp nhất, cũng như có thể lành vết thương khi chăm sóc đúng cách. Nguyên tắc chăm sóc những vết loét này là giữ khô sạch vết thương bằng cách vệ sinh nhẹ nhàng, thường xuyên. Tránh tỳ đè lên vết loét, bằng cách xoay trở liên tục mỗi 1-2 giờ , nằm nệm hơi …Ngoài ra có thể sử dụng một số loại băng gạc không thấm nước, giảm lực tỳ đè lên vết loét.
K.Chi