Các 'startup' sẽ được hỗ trợ khởi nghiệp như thế nào?
Ảnh minh họa. |
Những băn khoăn của các doanh nghiệp khởi nghiệp
Tại đàm thoại với với chủ đề Quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc Shark Tank Forum 2018 diễn ra ngày 17/11 tại TPHCM, các startup đã đặt câu hỏi cho đại diện cơ quan nhà nước về những khúc mắc pháp lý gặp phải khi khởi nghiệp.
Một startup giãi bày: "Khi khởi nghiệp, điều đầu tiên là đăng ký doanh nghiệp và đóng thuế môn bài. Điều thứ 2 là thuê mặt bằng và đóng thuế thuê nhà xưởng. Điều thứ ba là đóng thuế VAT. Tất cả các kiểu thuế doanh nghiệp phải đóng thuế ngay từ đầu. Nhưng mà tôi khởi nghiệp 2 năm nay, chưa bao giờ có một cái gì gọi là hỗ trợ doanh nghiệp cả".
"Từ đồng vốn tôi có, đều là tôi tự bươn chải", startup này nói tiếp, "Khi tôi gõ cửa các ngân hàng, thậm chí tôi phải vay tiêu dùng để kinh doanh".
Ý kiến này đã nhận tràn vỗ tay ủng hộ của những người tham dự sự kiện.
Vấn đề hỗ trợ startup trong giai đoạn đầu cũng được đặt ra. Một startup khác cho biết: "Trong giai đoạn đầu startup cái gì cũng thiếu, thiếu từ luật pháp, kiến thức, thiếu tất cả mọi thứ. Chính phủ sẽ có giải pháp đào tạo gì về đào tạo kiến thức, chia sẻ hệ sinh thái, kết nối truyền thông?"
Một nội dung khác được 1 startup cho cơ quan nhà nước là khung pháp lý để bảo vệ các phát minh, sản phẩm của doanh nghiệp chân chính.
Chính sách có rồi nhưng startup đã tiếp cận được chưa?
Giải đáp các thắc mắc trên, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp cho biết thật ra đều đã có khung pháp lý hỗ trợ rồi.
"Hỗ trợ pháp lý đã có chương trình 558 Bộ Tư pháp đang làm", ông Hùng nói.
Vi này cho biết thêm đối với doanh nghiệp mới thành lập, câu chuyện pháp lý, hướng dẫn làm sao đơn giản thủ tục thuế, để họ có thể thành lập được mô hình nhỏ gọn cũng đã có rồi.
Về câu chuyện bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các startup, ông Hùng cho biết khung có rồi mà chưa đến được với các startup. Vị này cho hay sẽ trao đổi thêm với bộ KHCN về vấn đề này. Còn về chính sách hỗ trợ vốn, ông Hùng cho hay nhà nước có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Như vậy, về cơ bản các khung pháp lý và chính sách đã được xây dựng. Nhưng với những câu hỏi được đặt ra từ các startup tại đàm thoại, có vẻ như vẫn một bộ phận các startup vẫn chưa được tiếp cận dễ dàng.
"Đến bao giờ các bạn startup mới có thể tiếp cận hiệu quả?" Trả lời câu hỏi này, ông Hùng hứa sẽ có thêm các động thái cụ thể và nhanh nhất để hỗ trợ tốt hơn các startup.
"Mọi sự thay đổi bên ngoài không nhanh được đâu, cái thay đổi chính của chúng ta mới nhanh"
Tuy nhiên, sự chủ động từ phía startup cũng được đặt ra. Cũng xuất hiện tại đàm thoại, Shark Nguyễn Thanh Việt phát biểu:
"Chúng tôi cũng đang phải học, phải làm mọi thứ. Và các bạn cũng phải học. Cứ ngồi kêu là không được".
"Mọi sự thay đổi bên ngoài không nhanh được đâu, cái thay đổi chính của chúng ta mới nhanh", vị Shark này nhấn mạnh.
Trên thực tế, từ năm 2016, Chính phủ đã có "Quốc gia khởi nghiệp" với những chương trình hỗ trợ cụ thể. Như luật phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình đổi mới sáng tạo "đặt nền móng cho các hệ sinh thái phát triển ở Việt Nam".
Ông Hùng cũng nhắc đến đề án 844 hay các đề án và ngân sách giao về cho các địa phương. Tuy nhiên, "Chính phủ cũng chỉ là một trong các trụ cột của khởi nghiệp". ông Hùng cho hay. Theo ông, các quỹ đầu tư, vườn ươm kà những trụ cột khác trong hệ sinh thái.
Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Trong dự thảo Thông tư quy định về quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ Tài chính đã đề xuất hỗ trợ lên tới 80 triệu đồng cho mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp.
Dự thảo nêu rõ nội dung và mức chi để tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia (TECHFEST) với quy mô quốc tế như sau: Thuê địa điểm tổ chức sự kiện, chi thông tin tuyên truyền về sự kiện và chi phí hoạt động chung của Ban tổ chức sự kiện: Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Hỗ trợ kinh phí thuê mặt bằng (điện nước, vệ sinh, an ninh, bảo vệ), chi phí vận chuyển và thiết kế, dàn dựng gian hàng: Mức hỗ trợ tối đa là 10 triệu đồng/1 đơn vị tham gia.
Theo dự thảo, nội dung và mức chi để phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như sau: Hỗ trợ kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, chuyển giao, phổ biến giáo trình khởi nghiệp đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công trong nước, quốc tế cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh:
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp: Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trên cơ sở khả năng thu của đơn vị (tối đa không quá 70% tổng dự toán kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo).
Hỗ trợ tư vấn thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Đối với hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp và sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự thảo quy định: Đối với dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gồm: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế…): Mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 80.000.000 đồng/doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí tư vấn thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Tối đa không quá 80.000.000 đồng cho hoạt động tư vấn của 01 nhiệm vụ. Nội dung các hoạt động tư vấn được thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Khoa học và Công nghệ.