Các siêu tiêm kích Mỹ sẽ không thoát khỏi 'cú vọ' UAV của TQ và Nga?
Vào đầu năm nay, những tấm ảnh đầu tiên về một loại máy bay không người lái có tên Divine Eagle (Đại bàng thần) đã xuất hiện tại Trung Quốc. Nó được nhiều chuyên gia cho là có thể phát hiện và tiêu diệt các máy bay tàng hình của địch cách xa lãnh thổ Trung Quốc.
Một trong những tấm ảnh hiếm chụp lại máy bay không người lái Divine Eagle của Trung Quốc. |
Theo họ, máy bay Divine Eagle có khả năng chống máy bay tàng hình ở xa và sẽ rất hữu hiệu đối với các loại khí tài tàng hình, ví dụ như máy bay ném bom B-2 và tàu chiến DDG-1000 của Mỹ. Không quân Trung Quốc giờ đây có thể nhanh chóng đánh chặn các loại máy bay, tên lửa và tàu chiến trước khi chúng đến gần đại lục. Nó cũng sẽ phát hiện vị trí của các dàn phóng tên lửa trên đất liền, qua đó chuẩn bị cho một đợt tấn công có thể xảy ra.
Trong khi đó, theo tạp chí Flight Global, Nga cũng đang thiết kế một loại vũ khí tương tự. Trong triển lãm vũ khí quân sự MAKS-2015 tại Moscow, Flight Global đã nói chuyện với ông Vladimir Mikheev, phó giám đốc điều hành của công ty KRET, một trong những nhà thầu của loại máy bay không người lái mới. Ông Mikheev cho biết loại máy bay chưa có tên này cũng tương tự với Divine Eagle của Trung Quốc.
Nó sử dụng các rađa tần số thấp để phát hiện các loại máy bay tàng hình như F-35, F-22 và B-2. Phần lớn các máy bay này được chế tạo nhằm tránh các rađa tần số cao. Ngoài ra, máy bay còn được tích hợp một thiết bị điệt tử đặc biệt. Ông Mikheev nói rằng KRET sẽ cung cấp một thiết bị điệt tử đặc biệt, không những tạo ra trường từ tính quanh máy bay để chống lại tên lửa, mà còn giúp nó không bị rađa phát hiện.
Nếu đây là sự thật, loại máy bay không người lái mới của Nga sẽ phát hiện được máy bay tàng hình của Mỹ trong khi bản thân lại không bị rađa nhận diện.
Một số người trong quân đội Mỹ đã chuẩn bị cho thời điểm công nghệ tàng hình trở nên lỗi thời. Khi được hỏi về việc máy bay tiêm kích thế hệ thứ sáu sẽ như thế nào, Tham mưu trưởng Hải quân là Đô đốc Jonathan Greenert nói rằng công nghệ tàng hình thực ra không hiệu quả như nhiều người nghĩ.
“Máy bay chỉ có thể bay với một tốc độ nhất định, còn công nghệ tàng hình có lẽ không hiệu quả như mọi người tưởng. Nếu một vật di chuyển rất nhanh trong không khí, khiến các phân tử bị phân tách và sản sinh ra nhiệt, cho dù động cơ được làm mát đến đâu đi chăng nữa, nó sẽ bị phát hiện”, ông nói.
Đây không phải là lần đầu tiên Đô đốc Greenert nghi ngờ về công nghệ tàng hình. Trong một báo cáo năm 2012, ông nói rằng công nghệ máy tính hiện đại sẽ giảm giá trị của tính năng tàng hình.
“Những sự phát triển này không đánh dấu sự kết thúc của công nghệ tàng hình, nhưng nó cho thấy những giới hạn trong thiết kế các loại khí tài tàng hình để vào gần và sử dụng vũ khí tầm ngắn”, ông Greenert viết.
“Đã đến lúc chúng ta nên xem xét thay đổi xu hướng tập trung vào các thiết bị tàng hình sang các loại vũ khí đánh chặn từ xa, hoặc sử dụng các thiết bị chiến tranh điện tử để gây nhiễu các hệ thống cảm biến của đối phương thay vì né tránh chúng”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.