Các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng như nào đến Venezuela?
Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten (DWN) của Đức nhận định, do các lệnh trừng phạt của Mỹ, nền kinh tế Venezuela đã ngừng hoạt động. Đồng thời, xuất khẩu dầu mỏ đạt mức thấp kỷ lục trong lịch sử của Venezuela.
“Vào tháng 5/2020, Washington ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido và “bật đèn xanh” cho âm mưu đảo chính do một cựu đặc nhiệm mũ nồi xanh Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, cuộc đảo chính đã thất bại”, DWN viết.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng như nào đến Venezuela? (Ảnh: Reuters) |
Cuộc thăm dò sau đó cho thấy chỉ 3% công dân nước này công nhận ông Guaido là nguyên thủ quốc gia hợp pháp, và 80% cho biết họ hoàn toàn không tin tưởng phe đối lập. Nhưng dù sao thì Washington vẫn tiếp tục đường lối ủng hộ.
Sau đó, vào tháng 7/2020, theo lệnh của người đứng đầu Nhà Trắng, Donald Trump, toàn bộ đội tàu quân sự đã đến bờ biển Venezuela, bề ngoài là để tiến hành một chiến dịch chống ma túy. “Mỹ coi Venezuela là một ‘quốc gia ma túy’, mặc dù theo dữ liệu hiện có phần lớn các chất bất hợp pháp vào Mỹ từ Colombia và Ecuador”, DWN cho biết.
Theo DWN, ông Elliot Abrams, đặc phái viên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về Venezuela, đóng vai trò quan trọng trong chính sách gây sức ép mà Washington gây ra đối với Caracas. Năm 1980, với tư cách Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan, ông đã yêu cầu Nicaragua chọn một “ứng cử viên” được Mỹ hậu thuẫn. Và với trường hợp của Venezuela, ông nói rằng đất nước này muốn giải quyết khủng hoảng thì đều phải bắt đầu bằng sự ra đi của chế độ Tổng thống Nicolas Maduro.
Ngoài ra, DWN cho rằng, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Venezuela, và họ đã gián tiếp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ dân tộc Venezuela. Quyền lực và ảnh hưởng của Washington ở Mỹ Latinh đã khiến nền kinh tế Venezuela đi vào bế tắc, trong khi xuất khẩu dầu đạt mức thấp kỷ lục trong lịch sử hiện đại của đất nước. Theo ước tính của luật sư quốc tế người Mỹ Alfred de Zayas, có khoảng 100.000 người Venezuela đã thiệt mạng do liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Và ngay cả khi công dân Mỹ chuẩn bị bầu ra một tổng thống mới, thì cũng sẽ không có gì sẽ thay đổi. Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden cũng ủng hộ đường lối cứng rắn trong quan hệ với Caracas, và thậm chí cố gắng vượt qua ông Trump về vấn đề này”, DWN nhấn mạnh.
“Đã đến lúc cần có các cuộc bầu cử tự do và công bằng để người dân Venezuela có thể lật đổ chế độ Maduro tham nhũng và áp bức. Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ bảo vệ người dân và nền dân chủ Venezuela”, ông Trump viết trên Twitter.
Mới đây, hôm 31/8, ông Abrams tuyên bố, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump mong muốn siết chặt các biện pháp trừng phạt ngành dầu khí của Venezuela trong thời gian tới đây khi nhiều khả năng sẽ bác bỏ việc gia hạn các trường hợp ngoại lệ cho phép một số công ty dầu khí mua dầu thô của quốc gia Nam Mỹ này. Đồng thời, ông Abrams cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đến nay là khá hiệu quả khi giảm thiểu được nguồn thu nhập của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.
Được biết, Washington là một trong những đồng minh chính của nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido ở Venezuela, nhưng sự ủng hộ này đang nhạt nhòa sau khi phong trào biểu tình và phản đối chính quyền Caracas do ông Guaido dẫn đầu suy yếu dần. Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ sau khi Washington công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido làm tổng thống lâm thời hôm 23/1/2019.
Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố ‘sốc’ về lệnh trừng phạt của EU với Nga
RIA dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, gần đây Nga đã quen với các lệnh trừng phạt từ phương Tây và thấy rõ rằng quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) “không đáng tin cậy”.
Thanh Bình (lược dịch)