Các đại gia lừa ngoạn mục ngân hàng VIB
Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ tội của bị cáo và kháng cáo đề nghị xem xét định giá tài sản tại thời điểm xử lý tài sản của VIB.
Giữ vai trò chính trong vụ án là Đỗ Xuân Hai (SN 1962, nguyên Giám đốc công ty TNHH Đức Hiếu). Do mắc bệnh rối loại trầm cảm tái diễn, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên người này được tạm đình chỉ điều tra để chữa bệnh.
Phiên tòa phúc thẩm xử vụ VIB bị các đại gia lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Theo bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 4/2011, Hai cùng Nguyễn Trọng Năm (chủ doanh nghiệp Năm Hường), Đỗ Quang Bình (Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình) lập khống chứ từ hàng hóa là ngô, sắn làm tài sản thế chấp bảo đảm khoản vay, chiếm đoạt tiền của VIB.
Bùi Đắc Liệu (Giám đốc công ty TNHH Đức Linh), Đỗ Xuân Trường (chủ doanh nghiệp tư nhân Hùng Liên), Lê Quý Thảo (Giám đốc công ty TNHH Thảo Hạnh), Phạm Văn An (chủ doanh nghiệp tư nhân Nông sản Minh Anh), Trần Công Thao (Giám đốc Công ty Vinh Anh) và Đỗ Quang Nam (chủ doanh nghiệp tư nhân Nam Đạt) đã giúp sức cho Hai, Năm, Bình thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của VIB.
Cụ thể, Công ty Đức Hiếu vốn điều lệ 20 tỷ đồng, Hai góp 19,4 tỷ đồng (tương ứng với 97%). Công ty này có quan hệ vay vốn với VIB từ năm 2008.
Năm 2010, Hai ký hợp đồng tín dụng với VIB, vay hạn mức tín dụng 95 tỷ đồng. Đến tháng 4/2011, do sắp hết hạn và đã vay đủ hạn mức 95 tỷ đồng, Đỗ Xuân Hai làm đơn xin gia tăng hạn mức tín dụng.
Lúc này, Nguyễn Thanh Hiếu (khi đó là Giám đốc VIB - Chi nhánh Nguyễn Huệ) đã ký hợp đồng mới, hạn mức là 115 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ dư nợ ngắn hạn của Công ty Đức Hiếu).
Tài sản bảo đảm vẫn là hàng hóa tồn kho, với giá trị hàng tồn kho bằng 167% dư nợ, tỷ lệ cho vay là 60% và cộng thêm 5 bất động sản.
Kho hàng được bàn giao cho Công ty CP Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp 135 theo hợp đồng bảo vệ 3 bên gồm ngân hàng, doanh nghiệp và đơn vị bảo vệ.
Để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của VIB, Hai đã chỉ đạo cấp dưới lập khống số liệu chứng từ để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân rút tiền của ngân hàng.
Ngoài trường hợp của Công ty Đức Hiếu, doanh nghiệp tư nhân Năm Hường do bị cáo Nguyễn Trọng Năm làm chủ và Công ty TNHH Nam Bình do bị cáo Đỗ Quang Bình thành lập cũng có hành vi lập khống số liệu để được vay tiền của VIB.
Công ty Năm Hường được VIB - Chi nhánh Nguyễn Huệ cấp hạn mức tín dụng 20 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là 6 bất động sản, 1 sổ tiết kiệm và hàng hóa tồn kho luân chuyển ngô, sắn. VIB đã giải ngân 19 tỷ đồng.
Công ty Nam Bình được cấp hạn mức 15 tỷ đồng và đã giải ngân 15 tỷ đồng, còn nợ 13,1 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Hiếu và cấp dưới không thực hiện đúng quy định khi thẩm định hàng hóa thế chấp, kiểm tra, định giá tài sản là hàng hóa tồn kho luân chuyển.
Các cán bộ ngân hàng còn lập khống biên bản kiểm kê, kiểm định giá tài sản, biên bản giao nhận hàng hóa thế chấp để hoàn tất thủ tục giải ngân. Thực chất, các nhân viên đã không tiến hành kiểm kê định giá đúng quy định.
Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm cho rằng, VIB Chi nhánh Nguyễn Huệ được VIB ủy quyền ký hợp đồng tín dụng với khách hàng và trực tiếp giải ngân. Tuy nhiên, tài sản bị chiếm đoạt thuộc sở hữu của VIB, do đó các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho VIB.
Bác kháng cáo của VIB
Tòa án cấp phúc thẩm quyết định tiếp tục duy trì hiệu lực của các hợp đồng thế chấp. Trường hợp các bị cáo không tự nguyện trả tiền, ngân hàng được quyền xử lý các tài sản bảo đảm.
HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Năm và Bình nên tuyên y án. Theo đó Năm nhận 16 năm tù còn Bình nhận 13 năm tù.
5 bị cáo giữ vai trò đồng phạm với Năm và Bình đều được giảm nhẹ hình phạt. HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo của VIB.