Các biểu hiện ngộ độc methanol từ rượu tự nấu
Trong các loại rượu, rượu pha thủ công có thể chứa methanol. Rượu thường được chưng cất từ gạo (tẻ, nếp) hoặc từ đường mía (dạng mật mía). Nhiều cơ sở chế biến rượu thủ công đã tận dụng bã mía hay dùng mật mía cặn chứa nhiều bã vụn để chưng cất rượu. Trong quá trình lên men chưng cất, bã sẽ phân hủy cho ra methanol.
Rượu được chế từ loại cồn kém chất lượng cũng là nguyên nhân gây ra methanol. Một số loại rượu bán trên thị trường vẫn được chế bằng cồn thực phẩm hay còn cồn dược dụng hòa với nước. Loại cồn có chất lượng kém vốn có hàm lượng methanol aldehyde, aceton cao vượt tiêu chuẩn, nên khi pha ra rượu sẽ có nhiều methanol, aldehyde, aceton.
Bên cạnh đó, cồn khô dùng trong công nghiệp chứa methanol. Methanol có nhiệt độ bốc hơi thấp hơn rượu. Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc, để làm cho rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn. Việc sử dụng các loại rượu có nồng độ methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là <0.1) có thể gây ngộ độc.
Theo bác sĩ CKII Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TPHCM, các trường hợp ngộ độc rượu do methanol nặng sẽ nhanh chóng tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau như: chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn ói. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị ngộ độc methanol do rượu thường có các biểu hiện thần kinh như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn, hôn mê, co giật, động kinh. Các triệu chứng về mắt như: Nhìn không rõ, nhìn mờ, không phân biệt màu sắc, sợ ánh sáng, giãn đồng tử… Các triệu chứng hô hấp như: thở nhanh, nông, khó thở, tím tái, suy hô hấp, mạch nhanh, tụt huyết áp (các dấu hiệu này có thể xuất hiện muộn sau 18-24 giờ).
Khi thấy người thân có các biểu hiện trên sau khi uống rượu, người nhà nên chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cùng loại rượu mà người đó đã sử dụng. Từ mẫu rượu này, bệnh viện có thể xác định mức độ ngộ độc và có hướng xử trí tốt hơn.