Cả trăm y bác sĩ với sứ mệnh cứu hàng chục nghìn bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện dã chiến số 3
Bệnh viện dã chiến 3 có tổng công suất trên 2.500 giường bệnh. Trước thực trạng bệnh nhân chuyển nặng nhiều, được chấp thuận của cấp trên, bệnh viện đã thiết lập Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19
Bệnh viện Dã chiến số 3 (khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh, TP Thủ Đức) đi vào hoạt động đầu tháng 7/2021, quy mô hơn 2.500 giường. Khi đưa vào hoạt động Bệnh viện chỉ nhận tầng 1 trong tháp điều trị 5 tầng (ca nhiễm chưa có triệu chứng). Tuy nhiên, sau một thời gian, do số ca nhiễm gia tăng, Sở Y tế TP.HCM đã cho phép bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân ở tầng 2 và 3 (có triệu chứng và dấu hiệu chuyển nặng) để giảm tải bớt cho các bệnh viện tuyến trên.
Điều trị bệnh nhân tại BV Dã chiến số 3. |
Những ngày đầu, bệnh viện thành lập và đưa vào hoạt động quá gấp rút nên không thể tránh khỏi sự thiếu sót về khâu tổ chức cũng như nhân lực, vật lực.Bác sĩ Chuyên khoa I (CKI) Lý Quốc Công, bác sĩ tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.HCM được điều sang bệnh viện Dã chiến số 3 ngay từ những ngày đầu. Đến nay, trải qua gần 4 tháng, bác sĩ Công cùng các đồng nghiệp của mình vẫn đang kiên trì điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, bác sĩ Công không khỏi ám ảnh. Bệnh viện vừa đưa vào hoạt động đã nhanh chóng kín bệnh nhân. Bệnh nhân tăng lên hàng ngày. Có thời điểm chỉ có 100 nhân viên y tế cả bác sĩ, điều dưỡng nhưng có tới 3.000 bệnh nhân. Bệnh nhân quá tải, bệnh viện lại dã chiến nên có lúc còn thiếu sót, thậm chí suất ăn thiếu bác sĩ cũng phải nhường lại phần suất ăn của mình cho bệnh nhân.
Lực lượng nhân viên y tế thì chủ yếu từ các chuyên khoa lẻ như tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt. Các nhân viên y tế tại đây làm việc cật lực, ngoài việc chuyển cơm nước đúng giờ cho người bệnh, liên tục kiểm tra sức khỏe và cấp thuốc điều trị, nhân viên y tế tại đây còn kiêm nhiệm luôn việc kiểm tra điện, nước tại các phòng.
Bác sĩ Công kể, từ bệnh viện tầng thấp, bệnh viện dã chiến số 3 nhanh chóng được thành lập phòng hồi sức Covid-19, điều trị cho bệnh nhân phải thở oxy.
Có thời điểm việc phân bổ nguồn thở oxy cũng trở thành công việc vô cùng vất vả. Nhân viên y tế của bệnh viện phải sắp xếp người cần nhiều oxy cho bình đầy, người thở mask cho dùng bình khoảng 70%. Các biện pháp cân nhắc sử dụng bình oxy làm sao cho thật hiệu quả. Biết bao công sức, trí tuệ, mồ hôi, nước mắt của nhân viên y tế để đổi lại cuộc sống cho người bệnh. Mỗi bệnh nhân được ra viện với gói hành lý về nhà chính là niềm hạnh phúc của đội ngũ bác sĩ tại đây.
Đến thời điểm hiện tại, số ca mắc của TP. HCM đã giảm 1/10 so với lúc cao điểm, các y bác sĩ mới có thời gian nhìn lại những gì đã qua.
Bác sĩ CKI Lý Quốc Công. |
Bác sĩ Công tâm sự, mặc dù tình trạng quá tải như hai tháng trước đã không còn, mọi việc đã dễ thở hơn, nhưng với các bác sĩ tại tâm dịch Sài Gòn thì chỉ khi nào không còn bệnh nhân Covid-19 thở máy, lúc đó họ mới có thể trở về cuộc sống bình thường.
Khi TP.HCM nới lỏng các biện pháp giãn cách, bác sĩ Công cũng không dám về nhà vì sợ lây cho gia đình. Sống cùng 1 thành phố, nhà cách bệnh viện chưa tới 10km nhưng suốt 4 tháng anh chỉ nói chuyện với người thân, vợ con qua màn hình điện thoại.
Thống kê đến thời điểm hiện tại, bệnh viện dã chiến số 3 là một trong những bệnh viện dã chiến có tỷ lệ bệnh nhân ra viện cao và bệnh nhân tử vong thấp.
Bác sĩ Công cho biết, có những thành quả như thế là do công tác chăm sóc bệnh nhân tích cực ngay từ ban đầu. Đối với bệnh Covid-19, theo dõi sát bệnh nhân chính là quyết định “sống còn”cho người bệnh.
Suốt thời gian qua, khi TP.HCM cần sự hỗ trợ từ các đơn vị thì các y bác sĩ từ khắp cả nước đã vào hỗ trợ bệnh viện. Các nhân viên y tế đều thể hiện tình yêu thương với người dân thành phố, với những người không may mắc Covid-19.
Theo lộ trình của ngành y tế TP.HCM, các bệnh viện dã chiến thành phố lần lượt sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, 11 và 12/2021. Riêng bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 12/2021 do được đầu tư hệ thống nguồn ôxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 khi các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động.
Khánh Chi