Cà Mau tăng cường phát triển kinh tế ven biển
Cà Mau đã triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển và vùng ven biển tranh thủ sự ủng hộ, cũng như huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội vùng biển.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cà Mau đưa ra nhiều giải pháp khác nhau trong đó đáng chú ý là giải pháp phát triển các khu kinh tế, khu đô thị ven biển.
Thời gian qua, Cà Mau đã tập trung lập và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới, trong đó xác định rõ quy hoạch các ngành, lĩnh vực quan trọng trong quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của Cà Mau so với các địa phương khác, ưu tiên tập trung vào lợi thế về phát triển kinh tế biển, du lịch.
Đối với các giải pháp phát triển mạnh khu kinh tế, đô thị ven biển, Tỉnh ủy Cà Mau cũng đưa ra nhiều chương trình, giải pháp khác nhau.
Cà Mau tăng cường phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển (ảnh minh họa) |
Thứ nhất, huy động nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; ưu tiên đầu tư khu kinh tế Năm Căn và mời gọi đầu tư Khu công nghiệp Nam Sông Đốc, khu công nghiệp Hòa Trung.
Thứ hai, tăng cường thu hút đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, điện tử, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ... Phát triển công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu thuyền ở các cửa biển: Sông Đốc, Khánh Hội, Rạch Gốc; triển khai đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp: Tân Thuận, Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm; đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn các huyện ven biển để tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Thứ ba, tập trung đầu tư phát triển 03 đô thị động lực: Thành phố Cà Mau, thị trấn Năm Căn và thị trấn Sông Đốc; ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thị trấn Năm Căn và thị trấn Sông Đốc đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025. Tiếp tục phân kỳ đầu tư các đô thị loại V ở các huyện ven biển; ưu tiên đầu tư các cụm kinh tế ven biển: Tân Thuận, Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm, Đá Bạc, Khánh Hội, Tiểu Dừa.
Đảm bảo tiến độ Dự án khu dân cư bờ Nam Sông Đốc và các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư ở các huyện ven biển đã có quyết định lựa chọn nhà đầu tư. Tập trung đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng các khu tái định cư ven biển để sắp xếp, bố trí dân cư ổn định cuộc sống.
Trong năm 2021, địa phương sẽ huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Năm Căn để mời gọi, thu hút đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, các loại hình dịch vụ logistics, chợ đầu mối, chợ trung tâm, chợ nông thôn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng tinh chế, có giá trị gia tăng cao.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung nguồn lực xây dựng tỉnh Cà Mau trở thành địa phương phát triển mạnh về biển. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với từng vùng biển.
Vùng biển Cà Mau là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, thuộc vùng biển nông, nguồn lợi thủy sản rất dồi dào, phong phú, đa dạng về loài, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao; điều kiện khí tượng thủy văn tương đối ổn định, thời tiết thuận lợi cho hoạt động thuỷ sản.
K.Chi