BV Đà Nẵng phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 6 tháng tuổi hẹp sọ bẩm sinh hiếm gặp
Ngày 28/6, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 6 tháng tuổi mắc chứng hẹp sọ bẩm sinh thể Trigonocephaly (đầu hình tam giác), giúp bé trở về cuộc sống bình thường.
Ngày 28/6, BS.CKI Lê Quang Huy (khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Đà Nẵng) cho hay, các bác sĩ của khoa này vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi Lê Văn M.T. (6 tháng tuổi, trú huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mắc chứng hẹp sọ bẩm sinh thể Trigonocephaly (đầu hình tam giác) - một hội chứng dị tật bẩm sinh hiếm gặp với tỷ lệ 6/10.000 trẻ sơ sinh mắc phải.
Ca mổ cho bệnh nhi Lê Văn M.T. được các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh và khoa Gây mê hồi sức BV Đà Nẵng thực hiện an toàn và hiệu quả (Ảnh do BV Đà Nẵng cung cấp) |
Theo BS.CKI Lê Quang Huy, nguyên nhân trẻ bị hẹp sọ đầu hình tam giác là do sự đóng sớm của khớp sọ trán, khớp này chạy từ đỉnh đầu xuống giữa trán theo hướng xuống mũi, gây dị tật đầu hình tam giác và khoảng cách hai mắt gần hơn so với bình thường.
Khi trẻ mắc chứng hẹp sọ bẩm sinh sẽ gây dị dạng sọ mặt, nếu không được phẫu thuật tạo hình lại kịp thời sẽ gây biến chứng tăng áp lực nội sọ, não bộ không phát triển được dẫn đến chậm phát triển trí tuệ hoặc các tổn thương vĩnh viễn khác, thậm chí là tử vong. Phẫu thuật điều trị bệnh lý này phải được tiến hành khi trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi.
Trẻ mắc chứng hẹp so bẩm sinh thể Trigonocephaly gây dị tật đầu hình tam giác |
“Khi cháu bé đến khám đã tròn 6 tháng tuổi, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn cho cháu, lên kế hoạch điều trị và quyết định phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ sử dụng phương pháp in sọ 3D để có cái nhìn thực tế trước, tính toán đường cắt sọ, các chỉ số nhân tướng học nhằm tạo cho bé một khuôn mặt cân đối, hài hòa.
Điều này giúp cho ca mổ được thực hiện nhanh hơn, tránh mất nhiều máu trong mổ. Thay vì trước đây phải mổ ra rồi mới tính toán sẽ phải làm như thế nào, cắt sọ ra sao, tốn rất nhiều thời gian” – BS.CKI Lê Quang Huy cho hay.
Hình ảnh sau khi ca phẫu thuật thành công |
Ekip phẫu thuật gồm BS.CKII Trà Tấn Hoành, BS.CKI Lê Quang Huy, BS Nguyễn Dương của khoa Ngoại thần kinh và sự hỗ trợ rất quan trọng của khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật tái tạo lại phần sọ mặt bị dị dạng cho bệnh nhi, cắt bỏ phần sọ trán và tạo hình lại. Đồng thời, mở rộng phần thái dương 2 bên để đẩy khoảng cách 2 mắt ra, sao cho cân đối, đạt được kết quả thẩm mỹ cao.
Theo BS.CKII Trà Tấn Hoành, Trưởng khoa Ngoại thần kinh (BV Đà Nẵng), đây là ca phẫu thuật tạo hình sọ mặt phức tạp, hiếm gặp, ít nơi có thể thực hiện được. Một trong những khó khăn của ca phẫu thuật là bệnh nhi chỉ mới 6 tháng tuổi, trong quá trình phẫu thuật kéo dài, bệnh nhi có nguy cơ bị mất máu nhiều.
Bệnh nhi Lê Văn M.T. 4 tháng sau khi được phẫu thuật |
Bên cạnh đó, ca mổ kéo dài hơn 6 tiếng đối với bệnh nhi nhỏ tuổi dễ dẫn đến nguy cơ hạ thân nhiệt. Chính vì thế, ekip phẫu thuật và gây mê hồi sức phải phối hợp nhịp nhàng, tập trung cao độ để cuộc mổ diễn ra an toàn, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
“Đây là trường hợp khó, hiếm gặp ở bệnh nhi nhỏ tuổi và cũng là một trong những ca tạo hình sọ mặt đầu tiên ở BV Đà Nẵng đã được phẫu thuật thành công. Hiện tại, sau khi xuất viện 4 tháng, bé đến tái khám với thể trạng tốt, bú được, đã biết bò và bốc vật dụng, đầu không còn nhọn biến dạng, tròn đều và vết thương khô, tốt nên đến bây giờ chúng tôi mới chính thức công bố về trường hợp này!” – BS.CKII Trà Tấn Hoành vui mừng cho biết.
Hải Châu