Họa sĩ 2 năm lang thang miền núi tìm 'chất liệu' thiết kế trang phục dân tộc cho búp bê
Là họa sĩ, có cơ hội được trải nghiệm, đi đến các vùng miền của đất nước, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu vùng xa, anh Nguyễn Hoàng Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mê say vẻ đẹp của các bộ trang phục truyền thống. Với anh, việc thiết kế trang phục 54 dân tộc như một mối nhân duyên.
Đến từng bản làng để cảm nhận đời sống của những người đồng bào dân tộc thiểu số, nghe họ chia sẻ về những câu chuyện dân gian, xem họ mặc trang phục truyền thống, mỗi một lần tiếp cận lại cho anh những sự tìm tòi mới mẻ và những chất liệu riêng.
Chia sẻ về ý tưởng làm trang phục dân tộc cho búp bê, họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh nói: “Là họa sĩ, tôi thường hay đi du lịch để lấy cảm hứng cho những bức tranh của mình. Sau hơn 2 năm lang thang ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, tôi rất yêu thích chất liệu thổ cẩm của đồng bào dân tộc. Khi về Hà Nội, thấy các sản phẩm búp bê mặc đồ bằng giấy và len trong quầy lưu niệm, tôi đã nghĩ đến việc làm sản phẩm búp bê sao cho có hồn nhất, khách du lịch chỉ nhìn qua sẽ bị cuốn hút ngay''.
Anh chọn mua các con búp bê có kích cỡ dài 25 và 35 cm. Mẫu 35cm có nhiều “đất” để phơi bày họa tiết mà họa sĩ gửi gắm. Búp bê 35cm có mức giá 3,5 - 4 triệu đồng. Dù mỗi sản phẩm có giá cao là vậy, thế nhưng có nhiều thời điểm anh không có hàng để bán, vì để làm mỗi sản phẩm kỳ công mất rất nhiều thời gian.
Để thực hiện kế hoạch của mình, anh dành thời gian tìm hiểu về truyền thống văn hóa, đặc điểm của từng dân tộc và bộ trang phục của họ, cùng ăn ở, sinh hoạt với đồng bào, lắng nghe chia sẻ, xem cách họ may mặc... để lấy cảm hứng chế tác. Anh quan niệm việc làm sản phẩm búp bê mặc trang phục dân tộc là sự kết hợp giữa hội họa và thời trang.
Việc chế tác một sản phẩm gồm rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là nghiên cứu trang phục về kiểu dáng và chất liệu vải, rồi tiến hành làm phôi bằng composite. Tiếp đến là tạo hình và vẽ mặt cho búp bê với yêu cầu khuôn mặt hồn hậu, mộc mạc và giản dị. Cuối cùng là may trang phục và gắn phụ kiện như gùi, chiêng, trống, khăn, mũ cho từng sản phẩm.
Theo anh, mỗi dân tộc có trang phục đặc trưng, thể hiện qua những nét hoa văn, họa tiết độc đáo; do đó, các sản phẩm dường như rất ít bị ''đụng hàng'' khi nam họa sĩ còn khéo léo kết hợp phụ kiện đi kèm váy áo.
Trong các công đoạn, việc tạo hình cho khuôn mặt đòi hỏi tài năng của người họa sĩ, phải vẽ làm sao để thể hiện được hồn của búp bê. Ngoài ra, việc phối màu cũng như thiết kế kiểu dáng của trang phục cũng phải được thực hiện công phu để giống trang phục gốc.
Đến nay, họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh đã thực hiện hàng nghìn bộ quần áo tinh xảo, giống hệt bản gốc của người dân tộc Dao, Mông, Thái, Tày, Hà Nhì, Lô Lô... với đơn đặt hàng của nhiều khách trong nước và quốc tế đặt hàng. Anh đã thiết kế trang phục của 46 trong tổng số 54 dân tộc cho khoảng 5.000 con búp bê với hai kích cỡ 25 và 35 cm.
Mỗi một sản phẩm do nam họa sĩ thiết kế đều mang sứ mệnh truyền tải văn hóa, là cầu nối đưa sản phẩm của Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đến gần hơn với mọi người.
“Trong quá trình sáng tạo, tôi cũng đã từng thất bại nhiều lần, có những khi phải bỏ đi sản phẩm vì chế tác gương mặt không đúng tinh thần của đồng bào”, anh Hoàng Anh tâm sự.
Bảo Khánh