Bức thư ố vàng 45 năm trước bỗng dưng được chia sẻ như vũ bão nhưng sự thật phía sau càng bất ngờ
Với những người yêu nét chữ nắn nót trong những bức thư tay, đây chính là kỷ vật nhắc lại một thời hoa mộng đầy hoài niệm đẹp đẽ.
Đã bao lâu rồi bạn chưa thử viết lại một bức thư tay? Thời đại 4.0 của công nghệ, của internet, người với người "chạm" nhau chỉ bằng một nút "send", những nét chữ nắn nót chở bao tâm tư, tình cảm vì thế hầu như đã trở thành kỉ niệm. Đôi khi chúng ta tặc lưỡi nhắc nhau về những ngày tháng hoa mộng ấy, rồi thôi... Guồng quay cuộc sống cuốn chúng ta vào những tất bật, bon chen, lo chuyện áo cơm còn chưa đủ thời gian, lấy đâu ra những khoảng thảnh thơi ngồi viết vài từ để ôn lại chuyện xưa cũ?
Thế nhưng, mọi ký ức tinh khôi ấy có lẽ chỉ cất giấu vào một ngăn sâu nào đó mà không hề mất đi. Để rồi mỗi khi một điều gì đó gợi nhớ về ngày xưa, chúng ta vẫn thấy lòng mình xao xuyến lắm. Có lẽ vì thế mà mới đây, một bức thư trên nền giấy ố vàng, thời gian được cho là từ 45 năm trước nhưng khi được chia sẻ vẫn gây nên một cơn "bão mạng". Nhiều người chuyền tay nhau, xuýt xoa vì nét chữ chỉn chu đều như in, vì những câu chữ dịu dàng mềm mại như ru. Cũng dễ hiểu thôi, bởi nội dung trong bức thư được chắp bút bởi một tên tuổi quá quen thuộc trên thi đàn văn học nước nhà. Đó chính là nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Ngày mồng 5 tháng 6 năm 1976, Vũ đã viết cho nữ thi sĩ Xuân Quỳnh - lúc này đang đi công tác miền Nam bằng những lời chan chứa tình:
"Quỳnh thương yêu,
Em gắng đi về bằng máy bay cho khoẻ, không mua gì cũng được. Về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh.
Những ngày này nhớ và thương Quỳnh lắm, không nên bực bội về Sài Gòn và người Sài Gòn làm gì. Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Và với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ?
Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người.
Hôn em rất lâu".
Bức thư giản dị nhưng tạo sự xúc động mạnh mẽ cho cộng đồng. Nhiều người bày tỏ, họ như được sống lại cả không gian, thời gian và những tình cảm trong trẻo của ngày xưa. Những dòng thư như một lời nhắc nhở, rằng tình yêu luôn đến từ những điều thật bình dị, thật giản đơn như thế: "Không biết là kẻ mộng mơ hay người sống thực tại lại thích những thứ ngày xưa nhưng mình thấy những thứ này rất là kỷ niệm", một người dùng mạng chia sẻ.
Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ cùng con trai Quỳnh Thơ ra đi trong một tai nạn giao thông ngày 29/8/1988. Sau mấy mươi năm, câu chuyện tình của họ vẫn lay động nhiều thế hệ. Cả hai người họ cũng đều được bạn bè yêu mến bởi tài năng, tinh thần làm việc hăng say, tính cách khiêm nhường.
Nhưng, sự thực phía sau rất bất ngờ....
Trên thực tế, đây cũng không phải lần đầu tiên bức thư gây hiệu ứng như vậy mỗi khi người hâm mộ “làm nóng” lên bởi sự chia sẻ đầy cảm xúc trong đó. Tuy nhiên, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ - PGS-TS Lưu Khánh Thơ cho biết đó không phải là bút tích của anh trai mình. Người hâm mộ đã tự chép lại bức thư Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh theo bút tích đã được công bố và chia sẻ trên trang cá nhân. Người khác lấy lại, làm hiệu ứng cho cũ hơn, giống với màu giấy mực của những năm 1970 và đăng tải, chia sẻ với nhiều người khác nữa.
“Về mặt nội dung, đúng hoàn toàn bức thư gốc của anh trai tôi, nhiều bản chép đưa lên mạng trước đây đều sai, không biết lấy từ nguồn nào, thậm chí còn chép cả những đoạn thơ không phải của Xuân Quỳnh. Về cơ sở dữ liệu khoa học, bây giờ chúng tôi còn khỏe mạnh và lưu giữ đầy đủ tư liệu nên còn minh định được chứ nhiều năm nữa khi mọi thứ thay đổi thì sẽ như thế nào? Sự sai lạc này sẽ dẫn tới sự sai lạc khác. Ví dụ như qua bức thư chép lại, nhiều bạn cứ tấm tắc khen nét chữ nết người của Lưu Quang Vũ nhưng kỳ thực có phải nét chữ đó là của Lưu Quang Vũ đâu, nhìn qua đã thấy đó là nét chữ của một người nữ mà? Mọi người thử so sánh bút tích thật của Lưu Quang Vũ với bức thư đang lan truyền sẽ thấy ngay đó là bản chép lại”, bà nói.
Bức thư đang được lan truyền trên mạng trích từ bộ sưu tập “Đối thoại tình yêu Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ” mà gia đình nhà thơ còn lưu giữ đầy đủ.
Học sinh tiểu học viết thư hỏi thăm bà, đọc đến câu thứ 3 ai nấy ngã ngửa
Dù khá hài hước nhưng ai nấy đều khen học sinh này viết chữ nắn nót, chỉn chu, cách hành văn cũng khá mạch lạc.
Theo nhipsongviet.toquoc.vn