Bóng văng trúng "của quý", nam thanh niên mất một bên tinh hoàn
Nam thanh niên bị xoắn tinh hoàn sau trận cầu mà không biết (ảnh minh họa) |
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội mới đây vừa cấp cứu cho một thanh niên 16 tuổi bị bóng văng trúng “của quý”, tinh hoàn xoắn lại hoại tử.
Theo lời bệnh nhân kể lại, trong trận bóng ngày 7/12, khi đang tham gia thi đấu thì từ một đường truyền bóng của đối phương, bóng bay với tốc độ mạnh rồi bật trúng hạ bộ.
“Sau đó, tinh hoàn hơi sưng nhưng em cũng chỉ nghĩ không ảnh hưởng lắm nên không đi khám. Hai ngày sau, xuất hiện cơn đau đột ngột với tần suất ngày một nhiều lên, em mới đến viện kiểm tra”, nam bệnh nhân này kể lại.
Tại bệnh viện, nam thanh niên chết đứng khi bác sĩ cho biết bị xoắn tinh hoàn. Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội- người khám trực tiếp cho nam thanh niên này cho biết, bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn- đây là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn.
Đáng lưu ý, những triệu chứng của bệnh như đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, đau kéo dài, sưng, phía tinh hoàn bị xoắn có thể ở vị trí cao hơn bình thường… dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác.
Trong khi đó, nam bệnh nhân này lại đến viện quá muộn (sau 24h nên một bên tinh hoàn đã bị hoại tử, không thể cứu chữa được). Các bác sĩ buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn cho bệnh nhân.
Vẫn theo BS Đinh Hữu Việt, bệnh xoắn tinh hoàn thường gặp ở thanh thiếu niên 10- 25 tuổi. Hiện nay, chưa rõ nguyên nhân chính xác của bệnh, một số tác nhân thường gặp là do chấn thương, bị viêm, sự chuyển đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể khi bước vào tuổi dậy thì… Xoắn tinh hoàn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng hoại tử, mất tinh hoàn, nhiễm khuẩn, vô sinh thứ phát, biến dạng tinh hoàn.
Theo đó, xoắn tinh hoàn thường có các biểu hiện: Đau đột ngột dữ dội ở bìu, đau lan dọc lên vùng bẹn, có thể đau lan lên vùng hạ vị, hố chậu cùng bên. Với trường hợp tinh hoàn ẩn ở ống bẹn thì đau tại vùng bẹn và lan lên hạ vị, hố chậu, thấy phồng ở vùng bẹn. Bệnh nhân có thể buồn nôn và nôn.
Đáng lưu ý, khi mới bị xoắn thường bệnh nhân không sốt, không có đái khó, không đái dắt. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thấy sưng nề đỏ da vùng bìu.
Người bệnh tự kiểm tra cũng sẽ thấy tinh hoàn to hơn rõ rệt, nằm cao hơn do bị kéo về phía lỗ bẹn nông và nằm ngang và chạm vào bất cứ vị trí nào của tinh hoàn cũng gây đau.
Các chuyên gia nhận định, tùy vào mức độ xoắn tinh hoàn và thời gian xoắn mà gây hậu quả khác nhau. Nếu tinh hoàn bị xoắn trên 360 độ thì tinh hoàn bị thiếu máu nuôi dưỡng, trở nên phù nề và có thể bị hoại tử sau 6h. Nếu điều trị trước 6 giờ, tỷ lệ thành công 90-100%. Vì vậy cần chẩn đoán sớm cho những trường hợp đau bìu cấp để xử trí kịp thời.
Nói về trường hợp nam thanh niên phải loại bỏ một bên tinh hoàn mới gặp phải, BS Đinh Hữu Việt cho biết, do bệnh nhân nhập viện sau 24h nên các bác sĩ đành “bó tay”. Mặc dù chỉ còn một bên tinh hoàn, nhu cầu sinh lý không thay đổi tuy nhiên khả năng có con giảm ít nhất 50%.