Bốn người đàn ông "đánh cờ mù" khiến dân mạng thán phục
Câu chuyện về những người đàn ông đồng cảnh ngộ khiếm thị cùng nhau chơi ván cờ mù đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Câu chuyện cảm động về người bố bị mù cùng những người bạn chơi cờ tướng được chị Lily Võ chia sẻ trên mạng xã hội khiến cư dân mạng thán phục.
"Trong ảnh là cha tôi và những người bạn của cha trong hội người mù - bốn người đàn ông mù đang nằm/ngồi đánh cờ tướng với nhau bằng mồm và trí óc - không hề có con cờ nào trên bàn cả. Vì mắt không nhìn thấy nên mọi sự tập trung đều dồn hết ở trí nhớ và tai nữa, thế là để bàn cờ và di chuyển trong đầu thôi.
Mọi người có thể thấy lạ, nhưng hình ảnh này thật thân thương quen thuộc với tôi. Cùng hoàn cảnh, các bác các chú gặp nhau là ngồi nói chuyện xuyên ngày đêm không hết, hồi còn học cấp 2 cấp 3 ở nhà, mỗi lần các bác tụ họp là mình vừa ngồi học vừa nghe lỏm chuyện hài của mọi người: Chuyện 1 chú trong hội mù bẩm sinh không biết màu sắc, chúng ta đến thanh niên mới mù là còn may. Gặp nhau, cùng nhau lạc quan và vui vẻ.
Suốt từ nhỏ cho đến giờ, mỗi lần nghe tiếng gậy lộc cộc của bạn cha đến chơi, tiếng cười chào hỏi gọi “ông Lương ơi” từ ngoài cổng, mình luôn thấy thân thương và vui trong lòng, chạy vội đi kiếm rượu và đồ nhắm. Bây giờ, sức khoẻ tuổi tác đã phải uống ít rượu và trà, nhưng cuộc gặp nào cũng vẫn đầy tiếng cười vui".
Bức ảnh và câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút hơn 26.000 lượt bày tỏ cảm xúc và bình luận của cư dân mạng. |
Tình thân, tình người và tinh thần lạc quan trong câu chuyện khiến cư dân mạng trầm trồ cảm phục những người đàn ông gặp cảnh không may trong cuộc sống nhưng vẫn tìm đến bầu bạn và có cách giải trí lành mạnh.
Một số bình luận của cộng đồng mạng như sau:
"Chúng ta ai cũng có 1 hoàn cảnh số phận khác nhau, 1 con đường đi khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến hạnh phúc. Những khoảnh khắc đẹp này - nhớ đến nhìn thấy thật sự hạnh phúc ngập trong lòng";
"Chỉ mong tuổi già của cha và người thân, của những người bạn thiệt thòi khiếm thị như cha được khoẻ mạnh và luôn hạnh phúc";
"Chúc cho các bác luôn nhiều sức khoẻ và nhiều niềm vui tuổi già, trân trọng quá!";
"Chúc các bác luôn vui khoẻ, ba của tui cũng cùng hoàn cảnh như mấy bác, ông cũng rất lạc quan, không biết các bác đây ở đâu có dịp cho các cụ hội ngộ. Nhà mình trong Bảo Lộc, nếu được mình mời các bác ngoài đó làm chuyến vào Lâm Đồng chơi với bố mình, cha bạn có dùng điện thoại không cho mình xin số để các cụ giao lưu trước";
"Cuộc đời rất công bằng, lấy đi của ai cái gì sẽ bù cho họ cái khác. Những người khiếm thị rất giỏi các giác quan khác. Mong các ông luôn khỏe và bên nhau trọn niềm vui".
Chia sẻ với phóng viên Infonet, chị Lily Võ cho biết bố chị là thương binh ở Nghệ An, ông không may bị mất đi đôi mắt trong một trận chiến. Trở về với gia đình, với cuộc sống thường ngày ông vẫn tham gia sản xuất, làm kinh tế cùng với hội người mù ở địa phương.
Chị chia sẻ thêm, những người bạn của bố mình dù đôi mắt hoàn toàn không thấy được gì nhưng vẫn làm được những việc mà người sáng mắt có khi làm không thể bằng được như vẫn dùng máy tính, thiết kế nhà ở... Dù bận công việc hàng ngày nhưng các ông vẫn thường tìm tới nhau những lúc rảnh rỗi để tâm sự, hàn huyên và chơi với nhau những ván cờ mù như thế.
Trong cuộc sống chúng ta bắt gặp rất nhiều những tấm gương về người khuyết tật đã và đang thành công trên những con đường khác nhau. Đó chính là tấm gương nghị lực cho chúng ta phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Lam Giang