Bộ Y tế đề nghị các địa phương không phun khử khuẩn ngoài trời
Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành không phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn phòng chống Covid-19 ở ngoài trời do kém hiệu quả và có thể ảnh hưởng môi trường, sức khoẻ..
Nên dừng việc phun hoá chất ngoài trời phòng ngừa Covid-19?
Theo các chuyên gia việc sử dụng hoá chất phun ngoài đường, phun lên cây, không trung, hoàn toàn không có tác dụng tiêu diệt vi rút gây bệnh Covid-19 mà làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Công văn ngày 2/8 của Bộ Y tế gửi các địa phương cũng đề nghị "không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn".
Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 cộng đồng; đảm bảo đúng liều lượng và phương pháp.
Thời gian qua, một số địa phương áp dụng biện pháp phun hóa chất diệt khuẩn tại nơi công cộng để phòng chống dịch. Tại một số cơ quan, tổ chức đã lắp đặt buồng khử khuẩn để phun hóa chất diệt khuẩn cho người đứng trong buồng; một số đơn vị sử dụng máy phun hóa chất diệt khuẩn để phun vào người cách ly, nhập cảnh...
Tuy nhiên, Bộ Y tế dẫn quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định những nơi như đường phố, vỉa hè, không phải là nơi chứa virus. Việc phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời không được WHO, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo, do kém hiệu quả, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh.
"Việc sử dụng số lượng lớn hóa chất diệt khuẩn để phun ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trường và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng chống dịch", công văn nêu.
Mặt khác, WHO và CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Ảnh minh hoạ. |
Việc phun khử khuẩn để phòng chống dịch bệnh được áp dụng tại nhiều địa phương thời gian qua. Cuối tháng 7/2021, lực lượng chức năng huy động 24 xe đặc chủng và chuyên dụng phun hóa chất tiêu độc, khử khuẩn toàn bộ quận, huyện tại TP HCM, Bình Dương, Hà Nội và một số địa phương khác. Hóa chất phun xịt là Cloramin B pha với nước theo tỉ lệ 0,5%. Toàn bộ số hóa chất để phun khoảng 6 tấn.
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng – bác sĩ nội trú trường Đại học Y Dược TP.HCM hiện đang sống tại Mỹ cho rằng bản chất SARS-CoV-2 phát tán từ bệnh nhân qua ho, hắt hơi, nói chuyện làm thành những giọt bắn li ti trong không khí, nó lơ lửng trong môi trường kín xung quanh vài ba tiếng, ngoài ra nó có thể đáp lên các bề mặt xung quanh, hoặc từ tay bệnh nhân và ở trên đó 2-3 ngày.
Tuy nhiên nó chỉ gây nhiễm nếu chúng ta chạm vào mà không rửa tay, rồi đưa vào miệng, mắt mũi. Nếu chạm vào mà có đeo găng, rửa tay, không chạm vào mắt mũi miệng cũng không nhiễm bệnh.
Từ trước tới nay số ca mắc ở góc độ gia đình cao hơn vì ở nhà là khi chúng ta thả lỏng nhất và không có bất cứ các biện pháp phòng ngừa nào, chúng ta không đeo khẩu trang ở nhà, chia sẻ một đĩa thức ăn, tiếp xúc gần. Nên nếu một người trong gia đình mắc bệnh thì những người khác có khả năng bị lây rất cao.
Môi trường thứ hai dễ lây nhiễm là những môi trường tụ tập đông người, các lễ hội, khi mà người đứng gần người.
Môi trường thứ ba là môi trường kín, không thoáng gió, nơi mà con virus nó cứ quẩn quanh trong không khí chờ cơ hội chui vô mũi người khác, điển hình là phòng karaoke, kế đến là nhà hàng, ...
Cách tốt nhất đó là sát trùng bề mặt bằng cồn 70 độ cẩn thận để tiêu diệt virus thay vì phun xịt hoá chất.
Khánh Chi