Bộ Xây dựng đóng góp tích cực trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Xây dựng đã xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn và đề xuất các Chương trình, dự án để thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn, thay thế Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011.
![]() |
Bộ Xây dựng tích cực trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới. |
Về quy hoạch xây dựng vùng huyện, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, cụ thể là huyện đạt tiêu chí quy hoạch khi có quy hoạch xây dựng vùng huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014. Đồ án quy hoạch vùng huyện cần đảm bảo yêu cầu phát triển lâu dài, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; hệ thống kho tàng, trại sản xuất tập trung cấp huyện, liên xã. Phát triển nông thôn gắn với phát triển đô thị bằng việc tổ chức, định hướng hệ thống trung tâm nông thôn cấp huyện trên cơ sở liên kết các cụm công nghiệp, các trung tâm dịch vụ thương mại và dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Xác định các khu vực sản xuất phi nông nghiệp theo hướng tập trung để thuận tiện phục vụ, xử lý môi trường và đầu tư cơ sở hạ tầng; từng bước nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn tiệm cận với điều kiện sống của người dân đô thị, đảm bảo phát triển bền vững. Xác định, tổ chức hệ thống điểm dân cư nông thôn, xác định cụ thể các điểm dân cư nông thôn tập trung phát triển (cho phát triển dân cư mới).
Bộ Xây dựng cũng đã tích cực rà soát đánh giá quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đánh giá hiệu quả công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn đối với đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn cấp xã; nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác cắm mốc quy hoạch theo quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới được duyệt (2016-2017).
Đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch để kịp thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Bộ đã triển khai việc đào tạo nâng cao năng lực của địa phương trong công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đến hết tháng 6/2018, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho gần 1.000 cán bộ tại các địa phương trong cả nước về công tác quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng cho công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường xã, việc đào tạo, tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức và kinh nghiệm cho các cán bộ quản lý ở địa phương cũng như năng lực cho các cá nhân, đơn vị tư vấn trong việc lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.
Đồng thời, đã chủ động theo dõi, kiểm tra, giám sát Chương trình giai đoạn 2016-2018 và báo cáo với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về những kết quả và vướng mắc cần nghiên cứu, tháo gỡ cho địa phương.
Đề án “Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa địa bàn cấp huyện”
Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện là hướng tới hình thành môi trường dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn cấp huyện phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn. Đề án sẽ giúp hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp và phục vụ dân sinh gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn trên địa bàn huyện và từng tiểu vùng trong huyện, làm tiền đề cho phát triển đô thị nhỏ trên địa bàn cấp huyện. Định hướng phát triển các khu chức năng, cơ sở hạ tầng tại các huyện có tốc độ đô thị hóa cao (thuộc các đô thị lớn) để vừa đảm bảo yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, hạn chế đầu tư lãng phí hoặc gây bất cập cho quá trình phát triển đô thị tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao.
Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị lựa chọn huyện triển khai thí điểm theo Đề án và xây dựng kế hoạch thực hiện. Qua đánh giá nội dung các báo cáo, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai bám sát với tiến độ chung để thực hiện Đề án, chủ động giao nhiệm vụ cho các Sở, ban ngành của tỉnh triển khai thực hiện.
Theo Đề án 676, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia lựa chọn 08 địa phương triển khai thí điểm gồm: Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An, Ninh Thuận lựa chọn các huyện nằm ngoài khu vực đô thị; Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu lựa chọn các huyện nằm trong đô thị và các huyện có kế hoạch trở thành đô thị năm 2020.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng khung định hướng và giải pháp phát triển trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn. Đề xuất quy trình thực hiện quy hoạch xây dựng trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản suất nông thôn. Nội dung bao gồm đánh giá, nghiên cứu các nội dung để xây dựng khung định hướng về chức năng và giải pháp quy hoạch trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn, xây dựng quy trình thực hiện quy hoạch xây dựng trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn và đề xuất các nội dung hướng dẫn các địa phương.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng khung đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 676/QĐ-TTg với mục tiêu nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tế xây dựng tiêu chí đánh giá tình hình xây dựng huyện nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa; xây dựng khung đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, về cơ bản các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện thí điểm tại các địa phương đều được triển khai theo đúng tiến độ đề ra.