Bỏ viên chức suốt đời: Giáo viên, ngành y chịu xáo trộn nhiều nhất?
Đây là quan điểm của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) xung quanh đề xuất “bỏ viên chức suốt đời” tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 24/10 vừa qua.
Đề xuất bỏ viên chức suốt đời
Theo đó, trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: Về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án.
Phương án 1: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Phương án 2: Viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về chế độ hợp đồng đối với viên chức được tuyển dụng mới là nội dung rất quan trọng, đối với từng phương án đều có những ưu điểm và hạn chế riêng.
Tuy nhiên, để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” và thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương, kết luận của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho lựa chọn Phương án 1 và thể hiện như trong dự thảo Luật.
Năng lực quản lý không tốt lại đẩy do lỗi của loại hợp đồng lao động
Chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội về nội dung này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) cho rằng “chưa tìm thấy cơ sở để nói bỏ hợp đồng không xác định thời hạn là động lực của phát triển”.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) |
Và giáo viên và nhân viên y tế là hai đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của quy định này.
Theo đại biểu Đỗ Tiến Sinh, đối với các cơ sở giáo dục, y tế ngoài công lập hiện đang thực hiện theo Luật Lao động thì sau 2 lần hợp đồng có thời hạn sẽ là hợp đồng không xác định thời hạn. Chất lượng của họ vẫn rất tốt.
Do đó, “nếu quy định này được thông qua (bỏ viên chức suốt đời), chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch từ nơi tương lai bất định sang các cơ sở ngoài công lập thu nhập, môi trường làm việc, tương lai tốt hơn”, ông Sinh bày tỏ.
ĐB Sinh cũng đưa ra dẫn chứng thực tế hiện nay các doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng áp dụng của quy định pháp luật là sau 2 lần ký hợp đồng thời hạn thì sẽ chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn.
“Họ vẫn hoạt động hiệu quả đấy thôi, vậy lấy căn cứ gì để nói hợp đồng không xác định thời hạn làm viên chức trì trệ, ì nên không phát triển”, ông Sinh đặt vấn đề và cho rằng gốc rễ của vấn đề là “phương pháp quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập không tốt chứ không phải do loại hợp đồng lao động có hạn hay không thời hạn”.
Mặc dù do chúng ta có cơ chế sàng lọc, đánh giá viên chức chỉ có điều chúng ta làm không tốt nên ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng như ai nên không buộc chấm dứt thôi việc được.
“Chúng ta đều có quy định cả rồi, có thể buộc thôi việc được. Năng lực quản lý không tốt lại đẩy do lỗi của loại hợp đồng lao động, chúng ta đẩy từ thái cực yếu kém trong tổ chức thực hiện pháp luật dẫn đến thay đổi một quy định làm tác động rất xấu tới hiện tại, tương lai của đội ngũ viên chức nhà nước”, ĐB Sinh gay gắt nói.
Ông cũng thông tin: “Một số giám đốc bệnh viện chia sẻ với tôi, làm như vậy rất khó cho họ. Nếu thay đổi theo luật thì hợp đồng đồng thay đổi liên tục. Vậy ai ký, ký thế nào? Ai dám đảm bảo không có tiêu cực. Có khi người không ra gì thì được ký tiếp, còn người làm tốt lại không được ký.
Có thể họ không thống nhất với quan điểm của quản lý thì họ có bị đẩy ra. Lúc đó, tính bất ổn của hệ thống sẽ tăng lên. Từ chuyện y tế, giáo dục đang phát triển ổn định có thể sẽ thành bất ổn với quy định như dự thảo”.
Do đó, ông Sinh cho rằng hãy làm tốt các quy định hiện có. Đó là sàng lọc, đánh giá.
Việc không ký hợp đồng không xác định thời hạn tưởng là tạo áp lực cho viên chức thi đua nhưng tương lai lại bất ổn để đào tạo, bồi dưỡng cho viên chức có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm.
“Thú thực, tôi chưa thấy dấu hiệu khả quan nào nếu thay đổi như dự thảo trình.
Đặc biệt là nếu vậy từ ngày 1/7/2020 sẽ có sự bất công. Người được ký hợp đồng không xác định thời hạn trước 1/7 thì yên tâm là chắc chân. Còn người sau thì lại luôn lo lắng.
Mà luôn trong tâm trạng lo lắng để được ký hợp đồng tiếp thì động lực ở đâu, động lực gì để phấn đấu. Từ kỳ họp thứ 7 tôi đã phát biểu và nhấn mạnh rất nhiều, thay đổi về hợp đồng lao động không phải là động lực cho viên chức phấn đấu. Đừng để việc thực hiện đánh giá viên chức không tốt mà đẩy sang một vấn đề lớn hơn là thay đổi hẳn về cơ chế”, ĐBQH Đỗ Tiến Sinh nhấn mạnh.