Bộ Tứ Kim Cương có thêm động thái khiến Trung Quốc lo lắng
Bộ Tứ Kim Cương tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết bằng cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa 4 nhà lãnh đạo ở Nhà Trắng vào tuần tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì cuộc họp mặt trực tiếp đầu tiên với 3 nhà lãnh đạo thuộc nhóm Quad hay còn gọi là Bộ Tứ Kim Cương vào tuần tới tại Nhà Trắng. Hồi đầu năm, Bộ Tứ đã đồng thuận cùng nhau đối phó trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vào tháng Ba, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ Kim Cương cũng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến lần đầu tiên kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với 3 nhà lãnh đạo thuộc Bộ Tứ Kim Cương ở Nhà Trắng. (Ảnh: EPA) |
Hôm 13/9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa 4 nhà lãnh đạo của Bộ Tứ là Tổng thống Mỹ Biden với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ diễn ra vào ngày 24/9.
“Chính quyền của Tổng thống và Phó Tổng thống Biden – Harris nhận định nhóm Bộ Tứ là ưu tiên sau khi diễn ra cuộc họp trực tuyến đầu tiên vào tháng Ba và giờ sẽ là hội nghị thượng đỉnh gặp mặt trực tiếp”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời bà Psaki.
“Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ sẽ tập trung thắt chặt những mối quan hệ và tăng cường hợp tác thực tế trên nhiều lĩnh vực như chống lại dịch bệnh Covid-19, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, hợp tác trong công nghệ và không gian mạng, cũng như thúc đẩy sự tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, bà Psaki nói thêm.
Hồi tháng Tư, dàn tàu chiến của hải quân Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ đã tiến hành cuộc tập trận 3 ngày tại vịnh Bengal. Cuộc tập trận được tiến hành chỉ sau 2 ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, những nỗ lực của các thành viên trong Bộ Tứ Kim Cương đóng vai trò quan trọng “trong việc đối phó với tầm ảnh hưởng hiểm ác của Trung Quốc trong khu vực”.
Về phần mình, Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng cáo buộc sự xuất hiện của Bộ Tứ Kim Cương là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị xem Bộ Tứ Kim Cương là “mối đe dọa an ninh” và “hoạt động theo mô hình NATO ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Căng thẳng giữa Mỹ - Trung ở khu vực Tây Thái Bình Dương tiếp tục gia tăng, khi mà Bắc Kinh vẫn bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý bất chấp Washington phản đối.
Trong hội nghị hàng hải hồi tuần trước, các quan chức thuộc lực lượng hải quân và tuần duyên Mỹ cam kết thúc đẩy sự hiện diện ở Tây Thái Bình Dương. Các quan chức Mỹ phản đối việc Trung Quốc đưa ra quy định mới yêu cầu tất cả tàu thuyền nước ngoài khi tiến vào khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền phải đăng ký trước thông tin hàng hóa và số hiệu tàu với cơ quan chức năng Trung Quốc.
Thông tin 4 nhà lãnh đạo của Bộ Tứ họp bàn trực tiếp ở Nhà Trắng được công bố sau khi diễn ra hàng loạt cuộc gặp giữa các quan chức trong chính phủ của Tổng thống Biden với giới chức Trung Quốc. Cụ thể, hồi tuần trước, Tổng thống Biden cũng đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc nói chuyện, ông Tập đã nói với ông Biden rằng các mối quan hệ Mỹ - Trung đang đối mặt với “những khó khăn nghiêm trọng”, do chính sách mà Washington đang thi hành với Bắc Kinh.
Các cuộc đối thoại giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với Bộ trưởng Vương Nghị và Thứ trưởng Xie Feng tại Trung Quốc vào tháng Bảy đã kết thúc trong bối cảnh hai nước vẫn duy trì quan điểm cứng rắn.
Trong thời gian gần đây, ông Biden cũng liên tiếp có động thái ưu tiên thúc đẩy quan hệ với Bộ Tứ, NATO và G7 nhằm nhấn mạnh kế hoạch chiến lược đối phó của Mỹ với Trung Quốc.
Phát biểu hồi tháng Bảy liên quan tới việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, Tổng thống Biden cho hay hoạt động duy trì quân sự ở Afghanistan “không phục vụ lợi ích của nước Mỹ. Chúng ta cần tập trung vào tăng cường sức mạnh trọng tâm để đối phó với sự cạnh tranh chiến lược trong tương lai đến từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác”.
Hôm 13/9, phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken một lần nữa khẳng định, không gì ngoài những đối thủ cạnh tranh chiến lược như Nga và Trung Quốc, cùng các nước đối địch như Iran và Triều Tiên mong muốn Mỹ sẽ kéo dài và sa lầy thêm vào cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan.
Taliban sẽ lấy tiền ở đâu để điều hành Afghanistan khi bị Mỹ bỏ mặc?
Đối với Taliban, giành chiến thắng trên chiến trường dường như dễ dàng hơn điều hành Afghanistan nhất là những thách thức về tài chính.
Minh Thu (lược dịch)