Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Startup dùng công nghệ mới gặp khó khăn có thể tìm đến Bộ TT&TT”
Ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi gặp gỡ các thí sinh tham dự chương trình “Khởi nghiệp công nghệ” trên VTV. Tại đây, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp và những khó khăn của mình trong quá trình làm sản phẩm để thay đổi xã hội tốt đẹp hơn. Đại diện ứng dụng iMotor giới thiệu ứng dụng của mình giúp xe máy - ô tô phát huy "tiếng nói", giúp tương tác tốt hơn với chủ xe như báo hiệu khi nào cần thay dầu, thay bánh xe...
Còn ứng dụng Triptour, giải pháp du lịch thông minh với việc số hóa cung đình Huế, giúp thay đổi cách tiếp cận của khách tham quan, giúp họ chủ động tương tác với từng hiện vật, không gian, tra cứu lịch sử.
Bên cạnh đó, nhiều startup ngỏ ý mong muốn Bộ TT&TT có thể kết nối với các doanh nghiệp công nghệ lớn để hỗ trợ họ tiến ra thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, các startup cũng nêu ra những khó khăn của mình. Đại diện Triptour cho biết, do ứng dụng này là sự kết hợp giữa lĩnh vực du lịch và công nghệ nên phải tuân theo quy định quản lý của 2 Bộ là Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, 2 cơ quan quản lý nên có sự đồng bộ để các startup công nghệ trong lĩnh vực du lịch có thể hoạt động dễ dàng hơn. “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch muốn quản lý chúng tôi dưới dạng một công ty du lịch nhưng Triptour là một ứng dụng công nghệ giúp kết nối các công ty du lịch”, đại diện Triptour cho biết thêm.
Cùng quan điểm, đại diện ứng dụng quản lý chung cư rất muốn nhờ Bộ TT&TT kết nối với các cơ quan quản lý chia sẻ những dữ liệu, kinh nghiệm trong quá trình vận hành sản phẩm để có thể quản lý các chung cư tốt hơn.
Trao đổi với các startup, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thế giới đang trong giai đoạn Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số từ thế giới thực sang thế giới ảo. Các doanh nghiệp đã từng thành công trước kia thường bị mắc kẹt trong chính thành công của họ. Vì thế, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp mới, ý tưởng đột phá.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, startup có ý tưởng công nghệ mới, thay đổi mô hình kinh doanh cũ có thể tìm đến Bộ TT&TT làm cầu nối với các Bộ ngành liên quan để cùng để tháo gỡ những khó khăn. |
Tuy nhiên, những ý tưởng mới chưa tồn tại sẽ mâu thuẫn với quy định quản lý hiện tại, giống như Grab, nó không phải là taxi dù giải quyết vấn đề vận tải. Ngay cả trên thế giới cũng đang cãi nhau chuyện quản lý Grab, Uber như thế nào suốt mấy năm nay và giải quyết bằng việc xây dựng cơ chế sandbox (cơ chế thử nghiệm, thí điểm áp dụng trong phạm vi hạn chế - PV). "Những ý tưởng mâu thuẫn với hiện tại là hướng đi đúng. Bởi vì, nếu rào cản dễ quá thì chúng ta rất khó thành công. Nó sẽ là một phép thử xem ý chí của mình có mạnh không, có vượt qua được những khó khăn hiện tại hay không", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Tại Việt Nam, đối với vấn đề Grab, Bộ TT&TT cho rằng, công nghệ đã thay đổi cách vận hành của một doanh nghiệp vận tải nên Grab cần phải được nhìn như một mô hình kinh doanh mới. “Vì thế, các startup có ý tưởng mới, dùng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh cũ có thể đến gặp Bộ TT&TT để làm cầu nối với các Bộ ngành liên quan cùng giải quyết câu chuyện này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý là phải thúc đẩy các ý tưởng phát triển. Do đó, startup chính là đối tượng phục vụ của Bộ TT&TT. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức nhiều buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp lớn như VNG, Yeah1, Viettel… với các startup. Bộ TT&TT sẽ kêu gọi các doanh nghiệp trong nước hỗ trợ, kết nối startup ra thị trường nước ngoài. “Bởi vì, chỉ khi startup thành công, nhiệm vụ của Bộ TT&TT mới thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.
Trước đó, vào ngày 9/5/2019, Bộ TT&TT đã tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, tạo ấn tượng về một chủ trương mới phát triển doanh nghiệp công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp ICT.
Với việc đưa ra tuyên bố chung “Make in Việt Nam” (“Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”), Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được đánh giá là một khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.