Bố trí kinh phí kịp thời khi triển khai đề án xây dựng xã hội học tập
Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu đề án xây dựng xã hội học tập.
Trong suốt giai đoạn 1 khi triển khai thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng cơ chế chính sách, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu đảm bảo nguyên tắc hợp lý và kịp thời.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động HTSĐ trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020” và Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 89 về xây dựng xã hội học tập.
Căn cứ vào các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp để cân đối kinh phí thực hiện các đề án, phù hợp với nhu cầu, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và bảo đảm các quy định quản lý tài chính hiện hành đảm bảo nguyên tắc hợp lý và kịp thời.
Ảnh minh họa |
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức từng năm và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch một cách kịp thời và nghiêm túc.
Đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng để thống nhất thực hiện trong toàn ngành; xây dựng, biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức để phù hợp với hoạt động thực tiễn của ngành.
Từ năm 2013 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 123 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức của ngành tài chính.
Hoàng Thanh