Bộ Quốc phòng Mỹ: Còn lâu F-35 mới có thể tham chiến
Dự án nghiên cứu và phát triển tiêm kích F-35 của Mỹ đã tiêu tốn đến 400 tỉ USD nhưng lại nổi tiếng vì không đạt được yêu cầu đặt ra.
Mới đây, hai báo cáo từ Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) và Cơ quan Thử nghiệm và Đánh giá Hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về một loại máy bay tiếp tục không đạt được những yêu cầu tối thiểu đối với một phi cơ chiến đấu.
Một phi công Mỹ ngồi trên F-35 trong một cuộc huấn luyện tại một căn cứ ở bang Nevada, tháng 4/2013. |
Đó là tin xấu cho Lầu Năm Góc, nhưng có thể là tin tốt cho hãng Boeing. Một bộ phận không nhỏ các tướng lĩnh Hải quân kêu gọi mua thêm nhiều loại phi cơ do Boeing chế tạo, cụ thể là F/A-18 Super Hornet và E/A-18 Growler nhằm thỏa mãn một số nhu cầu nhất định mà rất có thể F-35C dành cho Hải quân sẽ không thể làm được trong tương lai gần.
Không khó để thấy được, vì sao Hải quân Mỹ muốn tìm phương án dự phòng đối với chương trình F-35 của Bộ Quốc phòng. Theo GAO, chương trình F-35, vốn đã vượt quá ngân sách và nhiều lần bị trì hoãn, năm ngoái đã tăng giá thêm 4,3 tỉ USD.
Ban đầu được dự tính sẽ tham gia chiến đấu vào năm 2012, báo cáo này cho biết phiên bản F-35 cho Lực lượng Thủy quân Lục chiến sẽ không thể đạt khả năng hoạt động cơ bản sớm nhất là cho đến mùa hè năm nay.
Trong khi dó, F-35C, phiên bản của Hải quân sử dụng trên các tàu sân bay, sẽ không có khả năng hoạt động cơ bản sớm nhất là đến năm 2018. Cần phải nhớ rằng, khả năng hoạt động cơ bản ở đây ám chỉ thời điểm một phần tính năng của máy bay có thể được sử dụng, chứ không phải là toàn bộ phi cơ chiến đấu.
Một báo cáo khác của Bộ Quốc phòng còn tiết lộ thêm các lỗi kỹ thuật khác và nhận định rằng máy bay đang gặp vấn đề về phần mềm và phần cứng. Trong số đó có cả những lỗi động cơ làm ảnh hưởng đến sự an toàn của phi công mà không có giải pháp sửa chữa nào, lỗi chức năng phần mềm hiện đã bị hoãn sang giai đoạn phát triển sau để chữa lại, vấn đề cánh máy bay đã tồn tại suốt sáu năm mà không được giải quyết và nguy cơ gây cháy do bình nhiên liệu của máy bay không đủ bền.
Báo cáo này cũng lên án rằng nhiều lỗi của máy bay đã bị che giấu, không được sửa chữa để khiến số liệu của chương trình dễ nhìn hơn. Tóm lại, cả hai báo cáo đều đưa ra kết luận mà không ai còn cảm thấy ngạc nhiên: Phải mất nhiều năm nữa F-35 mới trở thành loại phi cơ chiến đấu thế hệ tiếp theo không có đối thủ mà Lầu Năm Góc đã hứa.
Với việc F-35C gần như chắc chắn sẽ chưa thể sẵn sàng chiến đấu, Hải quân Mỹ đang muốn tìm cách vá lại những lỗ hổng của phi đội máy bay bằng các phi cơ đã có, bao gồm Super Hornet và E/A-18 Growler.
“Chúng tôi thực sự vẫn đang thiếu máy bay Super Hornet”, Đô đốc Jon Greenert, chỉ huy hoạt động hải quân, trả lời trước Quốc hội đầu tháng nay. “Và chúng tôi sẽ phải tự lực để giải quyết vấn đề này”.
F/A-18 Super Hornet, giải pháp tình thế của Hải quân Mỹ hiện tại. |
Đó là tin rất tốt cho việc kinh doanh phi cơ chiến đấu của Boeing, vốn bị ảnh hưởng không nhỏ kể từ khi họ thua thầu của chương trình Phi cơ Chiến đấu Đa chức năng trước Lockheed Martin. Theo tình hình hiện tại, Boeing sẽ ngừng sản xuất F/A-18 vào khoảng năm 2017. Nếu Hải quân quyết định chi tiền mua thêm vài chiếc Super Hornets hay Growlers, hãng có thể kéo dài hoạt động sản xuất thêm 2 năm, theo ông Richard Aboulafia, phó giám đốc phân tích của công ty cố vấn hàng không và quốc phòng Teal Group.
Với việc nhiều nước trên thế giới sẽ ký hợp động mua máy bay cho đến hết thập kỷ này, bao gồm Kuwait, Bỉ, Đan Mạch và UAE, nếu Hải quân chọn mua máy bay Boeing sẽ có cơ hội có thêm nhiều hợp đồng từ nước ngoài và giúp hoạt động sản xuất máy bay chiến đấu của hãng tiếp tục khi bước sang thập kỷ tiếp theo.
Đó là thị trường mà Boeing vẫn muốn ở lại. Và khi F-35 đang không qua được những cuộc kiểm tra, nhiều khả năng Boeing sẽ có cơ hội của mình. “Tôi không tin Boeing sẽ rời bỏ thị trường này, trừ phi Quốc hội và Hải quân Mỹ không cho họ lợi ích gì”, ông Aboulafia nói. “Và những tín hiệu từ Quốc hội và Hải quân đều cho thấy điều gì đó sẽ xảy ra”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tạp chí Fortune, một tạp chí nổi tiếng của Mỹ về kinh doanh.