Bố mẹ, tại sao không “mặc kệ” con?
Theo chuyên gia giáo dục, thuốc chữa bệnh lề mề, lười biếng của trẻ chính là đừng làm hộ con, giục giã con.
Ảnh minh họa |
“Chị ơi, con em mắc bệnh lề mề. Sáng nào cũng vậy, em đều phải gọi rát cổ nó mới dậy đánh răng. Bữa sáng dù đã được bê sẵn lên tận bàn nhưng mãi vẫn chưa thấy nó ngồi ăn… Bát mì, phở cứ trương phềnh lên.
Đã thế nó lại còn lười như hủi chị ạ. Người có khi 4 ngày không tắm, đầu thì thôi rồi cả tuần không gội, tóc bết lại, bung từng mảng gầu trắng chân tóc. Chỉ cần đi ngang qua là thấy hôi đến mức muốn nôn.
Mà khổ, em có bắt nó làm gì đâu ngoài việc học. Mà nó cứ lười chảy thây. Suốt ngày em phải ràn rạt mà nói lắm nó không thích. Không biết hay tuổi dở ông dở thằng nó thế hả chị? Em phải làm gì chữa thói lười biếng này của con chị ơi?”.
Đó là những lời than vãn của một bà mẹ có con học lớp 9 khi cầu cứu tới TS Vũ Thu Hương.
TS Vũ Thu Hương cho biết ngày nào chị cũng gặp những bà mẹ than phiền về thói lười biếng, ích kỷ của con. Theo đó, các mẹ đều bày tỏ sự lo lắng cho rằng "bây giờ dạy con khó quá" và hoang mang không biết phải làm gì khiến trẻ trưởng thành "như mình muốn". Tuy nhiên, qua tìm hiểu, bà Hương nhận ra hầu hết đó đều là những đứa trẻ được “bọc đường” từ nhỏ.
Trẻ được bố mẹ chăm bẵm, được làm giúp tất cả mọi việc. Thậm chí có mẹ kể, con lên lớp 3 mà mỗi bữa tối vẫn được mẹ bón. “Không bón là nó không ăn”, người mẹ trẻ này than phiền.
TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh, cách bố mẹ chăm bẵm con quá nhiều chính là “hại trẻ”. Thay vào đó, tại sao các bậc phụ huynh không “mặc kệ” con?
“Đến giờ, con vẫn lề mề không ăn, bố mẹ cứ mạnh tay cất đồ ăn đi, cho nhịn. Thế không phải là ác với con mà hãy nghĩ nhịn một bữa con không sao hết. Nếu cứ chăm chút, lo lắng liệu bố mẹ có sống đời đời kiếp kiếp lo cho con? Vậy thì bố mẹ định "tát" con hay để đời "tát"?”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Trong trường hợp con lười biếng không chịu tắm, không học bài, TS Vũ Thu Hương cho rằng “cứ mặc kệ” cho con bẩn thỉu, hôi hám thậm chí thi trượt... vài lần. “Bố mẹ để con trả giá ngay bây giờ hay đợi để đến khi ra đời, chúng gặp đủ thứ chuyện? Bố mẹ muốn con trả giá bây giờ hay về sau?”, TS Hương nói.
Theo vị chuyên gia giáo dục, thuốc chữa lề mề, thuốc chữa lười biếng là đừng làm hộ con, giục giã con.
“Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Hãy để cho cáy tập làm chứ đừng nhảy vào can thiệp nữa. Còn nếu chậm, hãy cho lũ trẻ cảm nhận được sự "mất mát" dù đó đơn giản chỉ là 1 cây kem hay đúp một năm học thậm chí trượt đại học", TS Vũ Thu Hương nhìn nhận.
Đồng quan điểm này, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, nguyên Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc cha mẹ bao bọc con cái quá mức đừng nghĩ rằng đó là tình thương trọn vẹn.
Đó là việc tước đi những cơ hội để con rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách và sự trưởng thành nói chung. Những biểu hiện của sự thương yêu con trẻ cần được nhìn nhận ở một thái độ tích cực hơn.
Theo đó, các bố mẹ hãy quan tâm đến trẻ bằng sự chia sẻ, động viên để trẻ vững tin. Ngoài ra, phải giúp trẻ có niềm tin vào bản thân mình khi trẻ nhận ra mình có thể làm được.
Bố mẹ không thể sống giùm trẻ, càng không thể lo mọi thứ cho con để con lại ỷ lại, mè nheo và mất dần sự tự lập cũng như việc chịu trách nhiệm trước cuộc sống.
Dẫu biết rằng trong mắt cha mẹ, con cái mình vẫn còn bé bỏng, thơ ngây. Nếu chúng ta can thiệp quá sâu vào tiến trình phát triển tự nhiên của trẻ bằng việc bảo bọc quá mức thì có thể đưa đến những kết quả không như chúng ta mong đợi.
Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu các bậc cha mẹ bảo bọc quá mức, không để trẻ có tính tự chủ, khám phá, trẻ có thể trở nên phụ thuộc, không có trách nhiệm, và cũng có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn cũng như những khả năng ra quyết định, các mối quan hệ xã hội về sau.
Huyền Anh