Bộ GD-ĐT yêu cầu trường không 'đẻ' thêm sổ sách cho giáo viên
Chỉ thị nêu giáo viên được phép chọn hình thức viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng sổ ghi chép. Các nhà trường từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhà trường.
Giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội soạn giáo án trên máy và chia sẻ trên mạng nội bộ của trường từ lâu - Ảnh: NAM TRẦN |
Các cơ sở giáo dục không được chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách (theo mẫu).
Chỉ thị trên xuất phát từ thực tế nhiều nhà trường lạm dụng quy định nhiều loại hồ sơ, sổ sách không cần thiết và áp dụng cứng nhắc theo mẫu. Ví dụ có trường tách sổ ghi kế hoạch giảng dạy sinh hoạt chuyên môn và dự giờ thành 3 sổ riêng, trong đó sổ dự giờ phải ghi theo mẫu cứng nhắc.
Có nhiều trường quy định giáo án làm theo đúng mẫu, hoặc vừa cho phép làm giáo án điện tử nhưng đồng thời phải có giáo án in, chép tay.
Thậm chí có hiệu trưởng quy định giáo viên không được gạch xóa trong sổ điểm cá nhân để tránh chữa điểm, nâng điểm, dẫn tới việc giáo viên phải chép lại điểm khi có đoàn kiểm tra sắp đến. Việc vào điểm cho học sinh phải làm thủ công dẫn tới việc mỗi mùa "làm điểm", giáo viên rất vất vất vả.
Theo chỉ thị của Bộ GD-ĐT, ngoài việc cấm phát sinh sổ sách không cần thiết, còn khuyến khích các nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuyên môn. Cụ thể là áp dụng các phần mềm soạn giáo án, sổ điểm điện tử thuận tiện...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường cũng cho phép hiệu trưởng có thể theo dõi được quá trình giáo viên cập nhật nội dung cho giáo án/bài giảng, quá trình cập nhật theo dõi học sinh mà không cần yêu cầu giáo viên phải trình các sổ sách, báo cáo bản in, viết tay…
Việc vi phạm chỉ đạo về hồ sơ, sổ sách sẽ có chế tài đối với cán bộ quản lý giáo dục các cấp tùy theo mức độ vi phạm.
Theo Tuổi trẻ