Bỏ công việc lương cao ở Sài Gòn, 9X trở về quê làm nông nghiệp
Tốt nghiệp ngành Tài chính – Ngân hàng nhưng chàng trai Đà Lạt quyết định trở về quê hương gắn bó với nông nghiệp và hiện đang sở hữu công ty về các giải pháp nông nghiệp, sản phẩm xuất khẩu đến nhiều quốc gia.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế - Luật, Nguyễn Đăng Thiên Phi Long (1992) vào làm việc ở một công ty chuyên xuất nhập khẩu vật tư nông nghiệp, nông sản có văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh. Sau vài năm gắn bó, Long được đề bạt lên vị trí quản lý bán hàng. Mặc dù công việc thuận lợi, thu nhập tốt, nhưng Long luôn thấy công việc thiếu sự thử thách cho bản thân, không thỏa chí trai.
Ngoài ra, qua vài năm làm việc, có cơ hội đi công tác tại nhiều quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, anh nhận thấy Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đa phần xuất khẩu sản phẩm thô, với giá trị gia tăng rất ít, giá thành cũng không cạnh tranh so với nước bạn. Việc thiếu áp dụng các công nghệ, giải pháp cơ giới hóa cho nông nghiệp là một trong những nguyên nhân làm chất lượng sản phẩm thiếu đồng đều và chi phí sản xuất cao. Nhận thấy cơ hội đó, đầu năm 2018, chàng trai trẻ ấy bàn giao công việc cũ và trở về quê hương thành lập công ty.
Từ bỏ chốn phồn hoa, chọn đồng hành và hỗ trợ nhà nông
Cơ duyên xuất phát từ năm 2017 được cử đi tham quan một hội chợ quốc tế ngành nông nghiệp ở Thái Lan, được tận mắt xem những công nghệ nông nghiệp và gặp một số nhà cung cấp giải pháp hàng đầu khu vực, sau này cũng chính là đối tác của Long. Được người bạn Malaysia mời sang tham quan. Khi qua đó, Long được đối tác dẫn vào một nông trại, thấy mọi thứ tự động, từ tưới nước, bón phân đến phân loại nông sản, xong đóng container đưa ra cảng xuất khẩu.
Anh thấy rất khác so với cách làm ở quê hương. Nhận định những công nghệ này sẽ là tiềm năng tương lai ở Việt Nam. Nên Long bái sư, xin người bạn đó cho ở lại một thời gian học kỹ thuật và công nghệ để về áp dụng ở Việt Nam. Từ đó, Long lại bén duyên làm nông nghiệp. "Mà càng làm thì càng thích, mình thích ra đồng, vô nhà kính, nhà xưởng, tay vò đất hơn ngồi gõ bàn phím ở văn phòng máy lạnh", anh Long nói.
Ban đầu, Long mở văn phòng tại TP Hồ Chí Minh, nhưng nhận thấy nếu tiếp tục vẫn chỉ giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, ở Đà Lạt, chi phí thuê mặt bằng rẻ, mở nhà xưởng dễ dàng hơn, nông sản vườn là cơ hội để nâng tầm giá trị sản phẩm. Vậy là, anh quyết định về quê.
Khởi điểm công việc là bán hàng, nhưng anh chọn khởi nghiệp mảng liên quan đến nông nghiệp. Một năm đầu chính là khoảng thời gian thử thách bản lĩnh, quyết tâm và tâm huyết của Phi Long. Khi ở công ty cũ, vị trí của Long luôn được hỗ trợ nhiều nguồn lực để đạt được mục tiêu. Nhưng khi ra mở công ty, mọi thứ đều tự lực, từ bán hàng, marketing, tuyển dụng, đào tạo nhân sự, xây dựng mô hình kinh doanh…
Anh Nguyễn Đăng Thiên Phi Long. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
“Những ngày đầu, vì mình còn mới, tất cả đều phải xây dựng từ những con số không. Có những tháng mà không bán được hàng, cuối tháng gồng tiền, đi xoay trả lương, chi phí văn phòng thì stress vô cùng, tinh thần và sức khỏe mình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”, anh nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp. Nhưng may mắn, nhờ có gia đình luôn ủng hộ và sự gắn bó của đội ngũ cộng sự, anh Long đã từng bước gỡ rối và vượt qua.
Long dành nhiều tâm huyết nhất chính là sản phẩm giá thể từ xơ dừa. Bản chất đây là một loại phế phẩm nông nghiệp từ trái dừa, qua quá trình xử lý lại có thể trở thành một loại giá thể trồng trọt phục vụ cho sản phẩm. Trước đây, người nông dân thường mua về và tự xử lý trước khi đưa vào mùa vụ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kỹ thuật xử lý để đạt tiêu chuẩn phục vụ trồng trọt, nhất là đối với những người nông dân mới bắt đầu canh tác. Nên đôi khi cây trồng sẽ bị ngộ độc bởi chất chát (tannin) còn lại trong loại nguyên liệu này nếu chưa được xử lý kỹ.
“Mình thấy việc này rất lạ, vì thường ở các quốc gia tiên tiến người nông dân rất khỏe. Họ chỉ việc mua các loại nguyên liệu, vật tư tiêu chuẩn, chất lượng từ các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu. Nhiệm vụ của họ chỉ là sản xuất hàng hóa và bán sản phẩm thôi, chứ không phải mất công phải tự mày mò, xử lý nguyên liệu đầu vào như người nông dân bên mình”, anh Long nói.
Với mong muốn hỗ trợ để nông dân Việt có thể “khỏe” như nông dân ở nước ngoài, Long bắt tay ngay vào nghiên cứu để xử lý sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn rồi cung cấp cho người nông dân. Sau thời gian mày mò cùng cộng sự, anh đã nghiên cứu quy trình xử lý và sản xuất thành công.
Thời gian ban đầu, sản phẩm cũng vấp phải cái nhìn e dè của khách hàng. Vì Long là người tiên phong ra mắt dòng sản phẩm đã xử lý sẵn, họ vẫn nghi ngờ, nghĩ sản phẩm xử lý chưa đạt. Ban đầu đội Long thuyết phục từng nông dân sử dụng thử. Khi thấy sản phẩm chất lượng, đỡ mất thời gian tự xử lý, họ đã tiếp tục ủng hộ, và giới thiệu thêm nhiều khách hàng.
Lựa chọn cái tên Finom chính là cách Long tri ân quê hương. “Khi thành lập công ty, mình cũng muốn chọn một tên địa danh ở quê hương của mình. Đó là xã Phi Nôm, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng”, anh giải thích. Và ngay từ những ngày đầu, chàng trai trẻ đã nuôi hy vọng những sản phẩm của mình sẽ đi ra quốc tế, vì vậy cái tên có âm tiết ngắn, không dấu, để cả người nước ngoài và người Việt đều dễ đọc, dễ nhớ.
Cặp vợ chồng bỏ phố về quê lập công ty... mát xa hoa dừa
Cuộc sống nơi đô thị tấp nập cộng với công việc bận rộn khiến nhiều người ao ước, thế nhưng năm 2018 hai vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chal Thi quyết định từ bỏ phố thị về Trà Vinh chỉ để... mát xa hoa dừa.
Những trái ngọt "đáng tiền" đầu tiên
Hiện tại, Long đang phát triển hai mảng chính. Mảng thứ nhất là cung cấp giải pháp về nông nghiệp công nghệ cao: thi công hệ thống tưới, nhà màng cho nhà sản xuất nông nghiệp và các giải pháp đóng gói và bảo quản nông sản cho các đơn vị kinh doanh nông sản. Mảng thứ hai là sản xuất, cung cấp trong nước và xuất khẩu các sản phẩm từ xơ dừa phục vụ nông nghiệp đô thị.
Với khát vọng vươn tầm thế giới, không chỉ phục vụ nông dân Việt, Long còn muốn sản phẩm phục vụ tất cả những người làm nông nghiệp và yêu công việc trồng trọt ở khắp mọi nơi. Với vốn tiếng Anh khá tốt của mình, anh đã tìm hiểu để đưa sản phẩm ra thế giới. Và Long lựa chọn, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu tại các hội chợ quốc tế lớn. Ở châu Á, biết Bangkok, Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Đài Bắc, Seoul, Tokyo, Dubai, Mumbai là những nơi thường xuyên có những hội chợ lớn, anh tập trung lên kế hoạch để tham dự.
Anh Long trong lần tham dự Hội chợ quốc tế nông sản tại Hong Kong năm 2019. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
“Muốn hội chợ nào thì mình lên Google, từ khoá là [trade fair, exhibition, showcase, ngành mình muốn đi, 2021, international, Thailand, Singapore, China, Japan, Korea, USA, India, Europe]. Thấy cái nào hay thì bấm vô xem. Để tham dự hội chợ, mình có thể đăng ký đầu tiên là dạng "visitor" (người thăm quan). Mình vào website của họ, điền thông tin đăng ký, rồi nhờ họ gửi cho thư mời”, anh nói.
Qua những chuyến đi đó, Long cũng xây dựng được nhiều quan hệ, kết nối với các chuyên gia nông nghiệp ở nước bạn. “Mình ưu tiên thực hành, làm nông mà, phải xắn tay áo lên, chân lấm đất; muốn tìm hiểu về công nghệ, giải pháp nào, mình có thể liên hệ và sang nước bạn để học tập thực tế. Cũng nhờ vậy mà thời gian học nghề nhanh hơn”, anh tâm sự.
Bên cạnh đó, trong 7 năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, Long cũng có cơ hội tiếp xúc và xây dựng được nhiều mối quan hệ đối tác ở các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc… Vì vậy, với một số sản phẩm như xơ dừa, Long thử nghiệm chào hàng cho các nông trại lớn ở nước ngoài thông qua các mối quan hệ bạn bè, đối tác cũ. Vì đã có sự tin tưởng từ trước nên khi Long chào hàng, anh chỉ cần gửi mẫu cho một đối tác xem, họ thấy sản phẩm đạt yêu cầu là đặt hàng.
Sau gần 4 năm khởi nghiệp với lĩnh vực cung cấp giải pháp nông nghiệp, doanh số trung bình mỗi tháng của công ty hiện tại đạt 2,5 tỷ đồng và có một xưởng sản xuất xơ dừa nhỏ tại Lâm Đồng. Các sản phẩm của bên Long đã phục vụ hơn 1200 nhà sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp trên 40 tỉnh, thành, trong đó có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp tên tuổi.
Hướng tới hoàn thiện nông nghiệp bền vững
Năm 2020, trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, như rất nhiều doanh nghiệp mới, hoạt động bên Long cũng gặp khó khăn. Anh lo sợ dịch kéo dài thì nhiều khoản sẽ lâm vào thế nguy: trả chi phí thuê văn phòng, kho bãi, đảm bảo thu nhập cho nhân viên....
Nhưng trong nguy luôn có cơ, cứ suy nghĩ ắt có lời giải. Anh cố gắng tìm cách nào để xoay chuyển tình thế, nếu vẫn tồn tại được thì sẽ càng mạnh mẽ hơn khi vượt qua khó khăn. “Mình đã ngồi rà soát lại những nhóm sản phẩm và nhu cầu của thị trường, họp lại với team. Chính nhờ đó mà phát hiện ra cơ hội kinh doanh, chính là các sản phẩm từ xơ dừa làm giá thể trồng cây”, Long chia sẻ. Và từ chính bế tắc gặp phải trong Covid, Long đã trở mình vượt bão, sản phẩm giá thể xơ dừa cung cấp cho bà con trong nước và xuất khẩu, doanh số tăng trưởng ổn định từ năm ngoái đến hiện tại.
Long giới thiệu về mô hình của mình trong một hội chợ nông nghiệp quốc tế. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
“Trời không phụ lòng người, Đà Lạt mang lại nhiều đặc ân hơn mình nghĩ. Trải qua nhiều đợt dịch, nhưng công việc vẫn ổn định khiến mình biết ơn quê hương vô cùng”, anh Long chia sẻ.
Bước tiếp theo là ngoài việc cung cấp giải pháp phục vụ hoạt động canh tác cho nhà sản xuất, Long và cộng sự sẽ đi sâu hơn vào các giải pháp phục vụ nhà kinh doanh nông sản, từ bảo quản đến đóng gói, sơ chế sau thu hoạch… để hoàn thiện hệ sinh thái giải pháp khép kín cho lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, Long đang ấp ủ các kế hoạch về nông nghiệp tuần hoàn vì anh nhận thấy nhiều loại phế phẩm bị loại bỏ ra trong quá trình canh tác của người nông dân có thể được tận dụng để sản xuất, chế biến thành những sản phẩm khác và đưa trở lại quá trình canh tác. Việc này giúp giảm tác hại đối với môi trường và chi phí sản xuất nhờ việc tận dụng các nguồn phế phẩm này. Năm nay, Long nghiên cứu ra thêm sản phẩm để ươm hạt giống, thay cho các loại giá thể nhập khẩu và sẽ ra mắt trong tháng 11/2021.
Kiến trúc sư trẻ bỏ Sài thành về quê nuôi tôm rừng, tạo việc làm cho hàng chục người
Năm 2016 chàng kiến trúc sư trẻ Phạm Xuân Thành (sinh năm 1991) quyết định bỏ công việc ở thành phố về quê khởi nghiệp với một nghề mới chẳng liên quan đến những gì anh đã được đào tạo.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị/cafebiz