Bỏ chấm điểm lớp 1, không đồng nghĩa với không có học bạ
Trao đổi với PV, bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ tiểu học (Bộ GD-ĐT) giải thích: “Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014, Bộ đã có hướng dẫn cụ thể và khuyến khích các trường không chấm điểm đối với học sinh lớp 1. Tuy nhiên, đến cuối kỳ, học sinh vẫn phải có điểm ghi ở học bạ để xem xét việc có hoàn thành lớp học hay không”.
Bà Thắm phân tích, phiếu đánh giá tổng hợp cuối học kì I, cuối năm học được tập hợp thành sổ tổng hợp đánh giá học sinh mô hình trường học mới Việt Nam (sổ tổng hợp đánh giá). Sổ tổng hợp đánh giá thay thế học bạ của học sinh. Điều này gây ra lo ngại cho dư luận xã hội và phụ huynh học sinh về việc học sinh lớp 1 không có học bạ.
Học sinh lớp 1, cô giáo chỉ nhận xét, không chấm điểm |
Bà Thắm cho biết: “Việc một số người nói rằng bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp 1 đồng nghĩa với việc không có học bạ, điều này chưa đúng. Đến cuối kỳ, học sinh vẫn phải làm bài kiểm tra để đánh giá quá trình học của các em, và học bạ của các em vẫn có như bình thường. Còn trong quá trình kiểm tra giáo viên chỉ nhận xét chứ không chấm điểm với học sinh lớp 1”.
Theo bà Thắm, hiện nay việc ghi điểm, đánh giá cuối năm học đối với học sinh lớp 1 vẫn diễn ra bình thường. Bởi theo thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, thì học sinh tiểu học chỉ lấy một điểm kiểm tra định kỳ cuối năm học để xét việc có hoàn thành lớp học hay không hoàn thành lớp học.
Trong quá trình hướng dẫn khuyến khích các trường không chấm điểm đối với học sinh lớp 1, Bộ không bắt buộc mà do các địa phương tự lựa chọn. Do vậy, có tỉnh không chấm điểm với tất cả học sinh lớp 1, có tỉnh chỉ thực hiện đối với những học sinh học theo chương trình đổi mới, một số tỉnh khác vẫn đánh giá xếp loại học sinh tiểu học theo Thông tư 32.
Theo bà Thắm, không chấm điểm, không đồng nghĩa với bỏ học bạ |
Đối với học sinh học theo mô hình trường học mới VNEN (mô hình trường học thân thiện, tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh và được UNICEF, UNESCO, Ngân hàng Thế giới (WB) ủng hộ và đánh giá cao, và sẽ có hồ sơ đánh giá riêng. Bởi học sinh theo học mô hình này có cách đánh giá khác hơn so với những học sinh đang theo ở các trường công lập.
Năm học 2013 - 2014, Bộ GD-ĐT đã có dự án Mô hình trường học mới Việt Nam khuyến khích đối với lớp 1, giáo viên sẽ không chấm điểm trong suốt kỳ học mà chỉ nhận xét năng lực học tập của học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho phụ huynh học sinh. Ngoài ra, giáo viên không được so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.
Theo đó, các trường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập.
Đặc biệt, các trường thường xuyên đánh giá bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời. Nhà trường có trách nhiệm bảo quản sổ tổng hợp đánh giá và học sinh được nhận lại sổ tổng hợp đánh giá khi chuyển trường, chuyển cấp hoặc thôi học.
Kết thúc học kì I, nhà trường thông báo và trao đổi về hồ sơ đánh giá cho riêng cha, mẹ hoặc người giám hộ của học sinh biết. Kết thúc năm học và sau khi bàn giao chất lượng, nhà trường trả hồ sơ đánh giá của học sinh trong năm học đó (trừ Sổ tổng hợp đánh giá) cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của học sinh bảo quản.
Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam sẽ in và cấp Sổ tổng hợp đánh giá cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 ở các trường thuộc Dự án từ ngày 20 đến 25/5/2014.