Bình Thuận: Trồng cây xanh lan toả thông điệp sống xanh đến cộng đồng
Hiện nay, Bình Thuận có tổng diện tích đất có rừng là 336.132 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 288.564 ha; rừng trồng và cây phân tán 47.568,23 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 43%; nếu tính bao gồm cả cây công nghiệp và cây dài ngày, tỷ lệ che phủ mảng xanh toàn tỉnh là 55%.
Tuy nhiên, hiện Bình Thuận vẫn còn khoảng 150.000 ha đất cát và núi đá khô cằn. Trong đó có gần 25.800 ha đất bị suy thoái. Hiện tượng sa mạc và suy thoái đất đang từng bước tấn công các vùng phía bắc tỉnh như các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, gây ảnh hưởng đến đời sống, canh tác nông nghiệp của người dân địa phương.
Để khắc phục nguy cơ sa mạc hoá và tình hình thiên tai xảy ra thường xuyên, ngày càng phức tạp hiện nay trên vùng đất cát ven biển, tỉnh Bình Thuận xác định việc trồng rừng, trồng cây phủ xanh là cách bền vững để bảo vệ môi trường.
Theo đó, để đạt kết quả về độ che phủ rừng, Bình Thuận đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp nhằm góp phần nâng tổng diện tích rừng trồng nằm trong quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 34.682 ha, tăng hơn 24.000 ha so với năm 1992. Đồng thời, tăng độ che phủ rừng từ 38,72% vào năm 2000 lên 43,02% vào năm 2022.
Những năm qua, một số dự án trồng rừng ở Bình Thuận đã triển khai và đạt hiệu quả, như dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã trồng được 9.600 ha rừng tập trung; chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, kết quả trồng mới và trồng lại 55.300 ha rừng…
Tại nhiều địa phương, công tác phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ và phát triển rừng bền vững ngày càng được người dân, các ngành, các cấp quan tâm, chú trọng.
Đơn cử như ở huyện Hàm Thuận Nam, để bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới, đồng thời góp phần duy trì ổn định và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt trên 43%, thời gian qua, huyện Hàm Thuận Nam đã nâng cao khả năng phòng hộ và bảo vệ môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc bảo vệ rừng, phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển, huyện Hàm Thuận Nam còn tập trung phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn; phát triển lâm sản ngoài gỗ và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản.
Còn tại TP Phan Thiết, để hưởng ứng thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm 2022 đến nay, TP Phan Thiết đã trồng được gần 2.800 cây xanh các loại… Sang năm 2023, TP Phan Thiết phấn đấu trồng khoảng 245.000 cây xanh phân tán cả khu vực đô thị và nông thôn; trong đó khu vực đô thị khoảng 125.000 cây, khu vực nông thôn 120.000 cây.
Tỉnh Bình Thuận cho biết, để thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và triển khai kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong, Bình Thuận hiện vẫn còn khoảng 150.000 ha đất cát và núi đá khô cằn. Do vậy, cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, thì việc bảo vệ môi trường sinh thái cũng hết sức quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Kế hoạch trồng cây xanh của tỉnh Bình Thuận không chỉ hưởng ứng thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà còn mang thông điệp lan toả “Phủ xanh Việt Nam” đến tất cả cộng đồng…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã gieo tạo được 4,23 triệu cây giống, trồng rừng tập trung gần 3.900 ha/2.700 ha kế hoạch, đạt 114,3%. Song song, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng với diện tích khoảng 132.700 ha. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang tiếp tục phát triển vùng rừng cung cấp nguyên liệu tập trung, trồng rừng gỗ lớn, sử dụng giống cấy mô, hom….
Nguyễn Hải