Bị ngân hàng từ chối, giám đốc ngồi xe lăn "cắn răng" vay tín dụng đen để kinh doanh
Được vinh danh trong chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ III mới đây tại Hà Nội nhưng ít ai biết rằng, đằng sau câu chuyện khởi nghiệp của vị giám đốc khuyết tật Lê Huy Tích này là chuỗi hành trình đầy gian nan và sóng gió.
Vinh dự được trao giải Nhì với sáng kiến “Đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật” trong chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ III được trao giải tại Hà Nội ngày 26/12/2020, nhưng không ai ngờ sự thật cay đắng phía sau ánh hào quang của anh Lê Huy Tích - Giám đốc Công ty TNHH MTV Người khuyết tật Hòa Bình (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).
“Về Hà Nội nhận giải thưởng xong, được bao nhiêu tiền thưởng thì đem đi trả nợ, chẳng dám giữ lại đồng nào vì tôi đang vay nợ 80 triệu đồng từ tín dụng đen, lãi suất tính theo ngày”, đó là chia sẻ của Giám đốc Lê Huy Tích với PV Infonet khi được hỏi về những khó khăn mà một người khuyết tật như anh gặp phải trong quá trình khởi nghiệp.
Anh Lê Huy Tích (giữa) cùng các tác giả nhận giải Nhì trong lễ trao giải chương trình "Sáng kiến vì cộng đồng" lần thứ III tại Hà Nội vào ngày 26/12 vừa qua. |
Khởi nghiệp đầy chông gai của chàng trai khuyết tật
Gặp tai nạn giao thông vào năm 2007 khiến 2 chân bị liệt, khi đó anh Lê Huy Tích mới 29 tuổi, kể từ đó cuộc sống của anh gắn với chiếc xe lăn. Với suy nghĩ làm thế nào để chiếc xe này di chuyển thuận tiện hơn, nhanh hơn và khỏe hơn, từ đó, anh mày mò và chế tạo thành công thiết bị đầu kéo chạy bằng pin Lithium gắn vào xe lăn, giúp cho chiếc xe dễ dàng di chuyển trên mọi địa hình, kể cả những nơi có đường dốc.
Năm 2015, Công ty TNHH MTV Người khuyết tật Hòa Bình ra đời do anh Lê Huy Tích làm Giám đốc với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật. Đến nay, công ty của anh đang tạo công ăn việc làm cho 11 lao động, trong đó có 9 lao động là người khuyết tật.
Để tạo thêm thu nhập cho người lao động và cho bản thân, anh Tích còn nhận làm thêm dịch vụ sửa chữa, làm mới các loại xe máy điện.
Đáng chú ý, từ ý tưởng đầu kéo xe lăn, năm 2020 anh Lê Huy Tích đưa ra thị trường sản phẩm xe điện 3-4 bánh. Đây là loại phương tiện hỗ trợ người khuyết tật sử dụng thông qua hệ thống ghế tự động và cốp mở tự động để chở khách, chở hàng. Tiếp đó là sản phẩm xe điện hỗ trợ người khuyết tật ở thể trạng nặng hơn.
Giám đốc Lê Huy Tích (áo trắng) và công nhân tại cơ sở sản xuất của công ty. |
“Chiếc xe hỗ trợ người khuyết tật này có hệ thống sàng nâng, hạ để xe lăn có thể đi vòng quanh và cánh có thể đóng mở. Tôi đã cho ra đời mô hình chiếc xe này và hoạt động khá hiệu quả, nhưng do nhu cầu và điều kiện kinh tế của cơ sở mình eo hẹp, kể từ khi thành lập doanh nghiệp vào năm 2015 đến nay tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ nên rất khó để triển khai”, anh Lê Huy Tích cho biết.
Những ý tưởng hữu ích của anh Tích có thể sẽ chẳng thể trở thành hiện thực vì rào cản là khả năng tài chính.
Đến nay, Công ty TNHH MTV Người khuyết tật Hòa Bình tập trung sản xuất đầu kéo xe lăn với khoảng 500 chiếc đã được bán ra thị trường với giá 13 triệu đồng/chiếc.
“Mức giá này dù rẻ hơn đáng kể so với sản phẩm nhập khẩu, nhưng vẫn là khá cao đối với người khuyết tật. Đó là lý do tôi luôn mong muốn có được nguồn hỗ trợ tạo điều kiện để nhân rộng sáng kiến của mình”, anh Tích chia sẻ.
Sản phẩm xe lăn với phần đầu kéo được gắn phía trước chuẩn bị bàn giao cho khách hàng. |
Sống giữa "vòng vây" của tín dụng đen
Những khó khăn về tài chính mà anh phải đối mặt kể từ ngày đầu khởi nghiệp, và nó kéo dài cho đến tận hôm nay, sau hơn 5 năm kể từ khi anh thành lập doanh nghiệp.
Thật bất ngờ khi nghe anh kể: “Tôi liều lĩnh khởi nghiệp hoàn toàn dựa vào vốn vay lãi ngoài, và phải tính lãi theo ngày, có thời điểm lãi suất lên đến 5%/ngày. Đó là lý do dù bán ra bao nhiêu sản phẩm nhưng cũng chỉ đủ để trả tiền thuê mặt bằng 7 triệu đồng/tháng, trả tiền lương công nhân, tiền nguyên vật liệu và tiền lãi vay”.
Cơ sở sản xuất của anh Lê Huy Tích tạo công ăn việc làm cho 11 người lao động, trong đó có 9 lao động là người khuyết tật. |
Một người khuyết tật chỉ ngồi trên xe lăn, không có tài sản đảm bảo, anh Tích cho biết nhiều lần gõ cửa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng như Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn thành phố Hòa Bình, nhưng anh đều bị ngân hàng từ chối cho vay.
“Địa phương cũng có các chỉ tiêu của quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng chúng tôi chưa thể tiếp cận được vì phải chờ trên tỉnh xét duyệt. Tôi vẫn thường nói vui rằng tặng Bằng khen, Giấy khen là việc của tỉnh và thành phố, còn hỗ trợ tài chính là việc của tín dụng đen. Nhưng tôi hiểu thấu mục đích của mình làm nên chấp nhận, miễn sao mình vẫn tồn tại để duy trì công việc”, anh Tích chia sẻ.
Như vậy, kể từ năm 2015 đến nay, Giám đốc Lê Huy Tích phải vay vốn từ các công ty tài chính cũng như của các nhóm cho vay tín dụng đen trên địa bàn. Anh cho biết, trước thời điểm được vinh danh tại chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng”, công ty anh còn vay nợ 80 triệu đồng, số tiền này được chủ nợ tính lãi 3 triệu đồng/10 ngày, cứ 10 ngày lại phải trả 3 triệu đồng tiền lãi vay.
“May mắn là vừa rồi được giải Nhì nên cầm tiền về trả nợ bớt được chút”, anh Tích cười nói.
“Những khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo bao giờ cũng phải yêu cầu điều kiện khắt khe hơn so với khách hàng thông thường", một lãnh đạo Agribank TP. Hòa Bình cho hay.
Đối với trường hợp của Công ty TNHH MTV Người khuyết tật Hòa Bình, đại diện Agribank TP Hòa Bình cho biết sẽ tham khảo thông tin từ phòng nghiệp vụ, đồng thời cho kiểm tra lại về trường hợp này.
“Nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của NHNN cũng như quy định nội bộ của Agribank thì ngân hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn để đảm bảo cho khách hàng triển khai hoạt động kinh doanh”, lãnh đạo Agribank TP Hòa Bình khẳng định.
Đã có thời điểm xưởng sản xuất phải đóng cửa do dịch Covid-19. |
Nhiều phen sóng gió bầm dập nhưng đã không khiến những người khuyết tật như anh nhụt ý chí được, trái lại vị Giám đốc này lại tếu táo: “Hình như việc thường xuyên được lên báo, lên tivi khiến cho người ta tin tưởng tôi hơn mà cho vay”.
Tuy nhiên, ai cũng biết khi đã dính vào vay nợ từ tín dụng đen hay từ các công ty tài chính, một khi không trả nợ đúng hạn, người vay sẽ phải đối mặt với những đòn “khủng bố” từ chủ nợ, nhẹ thì gửi tin nhắn đe dọa, nặng hơn thì có thể kéo đến nhà hoặc bị đe dọa theo nhiều hình thức khác nhau.
Anh Lê Huy Tích không ngần ngại cho PV Infonet xem những dòng tin nhắn đòi nợ diễn ra trong tháng 3 và tháng 4, thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Đó là loạt tin nhắn từ những người thu nợ, từ nhóm cho vay tín dụng đen, thậm chí chủ nợ còn mạo danh là Công an để nhắn tin yêu cầu anh trả nợ.
Lúc dịch bệnh căng thẳng hồi tháng 3, tháng 4/2020, xưởng của anh phải đóng cửa, hàng hóa không thể bán nên không có nguồn thu để trả nợ, trong khi các chủ nợ thì liên tục đe dọa. Đó cũng là thời điểm khó khăn nhất đối với anh kể từ ngày khởi nghiệp.
Tin nhắn của chủ nợ |
Tin nhắn của FE Credit đòi nợ |
Mặc dù vậy, với người đàn ông giàu nghị lực này, khát vọng lớn lao nhất của anh là đưa những sản phẩm của mình lan tỏa đến cộng đồng, tạo cơ hội và sự bình đẳng cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Ngân Giang
Hà Nội: Ổ nhóm tín dụng đen núp bóng tiệm spa, cho vay lãi gần 300%/năm
Để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, ổ nhóm tín dụng đen do Nguyễn Tuấn Hiệp cầm đầu treo biển spa tại "trụ sở". Lãi suất cho vay của nhóm này lên tới gần 300%/năm.