Bí kíp “vàng” giúp ôn thi môn Tiếng Anh hiệu quả trước kỳ thi THPT quốc gia
Tránh tình trạng không có kiến thức mà vẫn bước vào phòng thi hoặc kết quả của bài thi chỉ đạt được số điểm không mong muốn, để giúp các bạn đạt hiệu quả cao trong kỳ thi, thầy Đỗ Minh Trung – một giáo viên Tiếng Anh có nhiều năm kinh nghiệm – đã chia sẻ một vài điều cần lưu ý sau:
Phân bổ thời gian ôn luyện thật khoa học: Đối với học sinh các khối có tiếng Anh như A, A1, D1,…: Các em cần dành ít nhất 1-2 tiếng/ngày vào buổi sáng, buổi chiều hoặc buổi tối để học từ mới, cấu trúc ngữ pháp, cụm từ,…luyện tập đề minh họa cụ thể (nhất là với các đề bám sát cấu trúc của Bộ GD&ĐT), các bạn có thể mua sách luyện đề tại các hiệu sách hoặc các bạn có thể lên mạng download các đề thi thử của các trường đã được các thầy cô, bạn học sinh đưa lên mạng.
Việc học từ mới, cấu trúc ngữ pháp, cụm từ,… giúp các em củng cố lại toàn bộ các kiến thức đã học trong suốt thời gian vừa qua, còn việc nhiều luyện đề thi thử đại học sẽ giúp các em làm quen với các dạng câu hỏi khác nhau, cũng như rèn thêm nhiều kỹ năng khác khi làm bài cho kỳ thi tới. Ngoài ra, việc này cũng giúp các em nhớ được đáp án cũng như nhớ được những lỗi sai không mà các em gặp phải khi mình tự chữa đề.
Bám sát sách giáo khoa khi ôn luyện: Đề thi sẽ bao quát toàn bộ kiến thức của chương trình PTTH. Vì vậy, học sinh cần đọc lại tất cả các cấu trúc, cụm từ, ngữ pháp và từ vựng đã học trong sách giáo khoa.
Đây là việc cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ cho các em cái nhìn tổng quát về các chủ đề mình đã học, từ đó làm bài đọc hiệu quả hơn. Ngoài ra, các em có thể tham khảo một số sách chuyên đề về ngữ pháp để luyện sâu về các thì, câu bị động, câu điều kiện, câu trực tiếp, câu gián tiếp, câu mệnh đề quan hệ, câu đảo ngữ, câu giả định…đối với những loại câu liên quan đến các cấu trúc này, có cách để lựa chọn đáp án đúng theo mẹo mà không cần phải dịch hoặc hiểu hết cả câu.
Thầy giáo Đỗ Minh Trung |
Tuy nhiên, các em cũng cần phải tìm hiểu thêm hoặc hỏi thêm các cấu trúc khó không có trong sách giáo khoa. Ví dụ như trong Đề thi thử TNPTTH của Sở GT và ĐT Hà Nội có cấu trúc (…so adj + a/an + N + that + clause) đây có thể là một cấu trúc lạ đối với các bạn không thi khối có môn Anh, vì trong chương trình phổ thông các bạn ít có cơ hội tiếp xúc với cấu trúc này.
Ôn kỹ lại các lỗi sai mà các em hay mắc phải, đọc kỹ, tránh chọn bừa. Nói đến mắc lỗi sai, các em thường hay mắc lại chính cái lỗi sai mình gặp hôm trước, đề trước… một phần do em chưa học kỹ ngữ pháp phần đó, một phần cách suy diễn của em đã định hình theo tư duy hoặc cách hiểu của mình…
Vì thế việc ngồi lại để xem lại và ghi chú nhưng lỗi sai đó là rất cần thiết. Một điều các em cần chú ý là làm lại hoặc làm đề mới, đến phần chữa đề các em cần đánh dấu lại các câu sai để ôn kỹ hơn.
Ngoài ra các em cũng có thể làm thêm bài tập về phần bị sai, hoặc nhờ thầy cô, bạn bè giảng lại phần sai cho mình để rút ra bài học. Khi làm bài các em cũng cần tránh chọn bừa đáp án khi chưa đọc kỹ, thậm chí là tô nhầm đáp án vào phiếu thi, nếu không hiểu hoặc chưa thể trả lời được câu hỏi đó, các em có thể nhờ thầy cô, bạn bè giảng giải giúp mình hoặc các em có thể tìm đáp án rồi sau đó xem lại ngữ pháp, từ mới (qua cách tra từ điển) để rút ra bài học tốt nhất cho mình đối với phần câu hỏi đó. Còn nếu các em cứ chọn bừa, hoặc chọn nhầm đáp án….điều này rất dễ trở thành thói quen và ảnh hưởng đến bài thi thật.
Học các mẹo làm bài cho từng phần thi: Đối với ngữ pháp đây là phần dễ đạt điểm tuyệt đối, bởi học sinh đã được tích lũy kiến thức trong suốt quá trình học phổ thông. Vì vậy, học sinh cần làm bài cẩn thận, tránh những lỗi sai không đáng có trong thời gian nhanh nhất có thể.
Từ đó, các em có thể tiết kiệm thời gian cho các phần bài khó hơn. Với dạng bài này, các em cần học kỹ về giới từ, từ vựng, các thì,… Nếu dịch được hết các câu, cơ hội đúng sẽ còn cao hơn nữa.
Ngoài ra, những người có trí nhớ tốt cũng có thể học thuộc đáp án khi luyện tập. Đối với bài đọc: Khi làm đến bài đọc (sẽ có 2 bài đọc và 1 bài điền từ), đầu tiên là các em nên đọc đoạn đầu để biết cơ bản chủ đề bài đọc. Sau đó đọc lướt câu đầu và câu cuối các đoạn, đánh dấu các câu chủ điểm của câu, của đoạn đồng thời cũng cần phải gạch chân các từ mới hoặc các từ có ý nghĩa đối với câu, đoạn…, sau đó cố gắng rút ra nội dung cơ bản từng đoạn.
Khi đọc câu hỏi, các em cần phải cẩn thận với ý chính của câu hỏi, cẩn thận tìm thông tin trong bài đọc để trả lời cho câu hỏi đó, sau đó sẽ tìm đáp án trả lời đúng. Luyện bài đọc IELTS, Toiec, TOEFL là một trong những cách rất hiệu quả để nâng cao kỹ năng đọc, bởi chủ đề trong các bài đọc đó rất đa dạng: xã hội, kỹ thuật, chính trị, văn hóa,…
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đọc kỹ lại các bài đọc trong sách giáo khoa và luyện thêm trong các đề ôn. Đối với bài từ đồng nghĩa-trái nghĩa: Muốn làm tốt phần bài này, học sinh cần phải có vốn thành ngữ tiếng Anh dồi dào. Các bạn có vốn từ vựng phong phú cũng sẽ có nhiều lợi thế trong phần này.
Thêm vào đó, các em cũng cần đọc kỹ đề bài và các đáp án để xác định xem đâu là từ đồng nghĩa, đâu là từ trái nghĩa. Nhiều em do không đọc kỹ trước khi làm bài nên thường xuyên mất điểm một cách đáng tiếc.
Đối với dạng bài sửa lỗi sai: Không chỉ đọc kỹ từng đáp án, học sinh cần phải sửa được lỗi sai mình đã chọn để tăng thêm phần chắc chắn cho bài mình làm. Ngoài ra, một mẹo khác rất hữu ích khi làm dạng bài này là loại trừ các đáp án đúng. Đáp án còn lại đương nhiên sẽ là lỗi sai cần tìm.
Đối với bài viết lại câu: Học sinh nên tập viết lại câu ở dạng tự luận nhằm nhớ kỹ hơn cấu trúc và cách viết câu. Học cẩn thận các cấu trúc ngữ pháp đặc biệt là các cấu trúc đảo ngữ, câu điều kiện, câu mệnh đề quan hệ (có cả mệnh đề quan hệ nhấn mạnh), câu giả định, cấu trúc lùi thì, câu trực tiếp, gián tiếp,…và liên từ (linking words) sẽ giúp các em chọn đáp án nhanh và chính xác hơn.
Tuy nhiên, cũng có một cách làm dạng bài này rất hiểu quả đó là em tìm lỗi sai trong đáp án, hoặc dịch kỹ từng đáp án hoặc tìm từ chính, yếu chính hoặc cụm từ chính trong đáp án rồi so với câu chủ để có đáp án đúng nhất.