Bị can án 'giết người' trốn truy nã khi bị bắt lại có bị xử thêm tội?
Gần đây, nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can, nhưng các bị can đã bỏ trốn nên cơ quan công an ra quyết định truy nã. Như trường hợp bị can Nguyễn Quốc Hùng (35 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị khởi tố về tội "Giết người" nhưng đã bỏ trốn, chiều 14/11, Công an TP Hà Nội đã phát thông báo truy nã Hùng.
Dư luận đặt vấn đề: Khi các bị can này bị bắt và đưa ra xét xử thì bị can thêm tội gì? Sẽ bị mất quyền gì, còn những quyền gì…?
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề nêu trên, luật sư Phàn A Thương - Công ty Luật TNHH Tâm Anh (Hà Nội) cho biết: “Theo quy định tại Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự, trường hợp khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can. Trong vụ án này, Hùng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên cơ quan công an ra quyết định truy nã đối với Hùng.
Cũng theo quy định tại Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
Còn trong trường hợp người bị truy nã có sử dụng vũ khí, hung khí thì khi bắt người thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Như vậy, nếu ai phát hiện hiện ra Hùng thì cũng có quyền bắt và giải ngay Hùng đến cơ quan đã nói ở trên''.
''Để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án và ngăn chặn Hùng tiếp tục bỏ trốn thì theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trường hợp bị bắt, Hùng sẽ bị cơ quan cảnh sát điều tra áp dụng biện pháp tam giam tại cơ sở tạm giam. Còn trong thời gian truy nã mà Hùng đến đầu thú thì có thể được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015'', luật sư Thương nói thêm.
Cũng theo luật sư, khi đã có quyết định khởi tố bị can mà Hùng bỏ trốn và đã có quyết định truy nã thì khi bị bắt Hùng vẫn có đủ các quyền và nghĩa vụ của bị can được quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa khi bị bắt.
Tuy nhiên, khi bị bắt, bị can trốn nã sẽ bị hạn chế quyền tự do, bị tạm giam ngay, không được hưởng các biện pháp khác như cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc bảo lĩnh đặt tiền để được tại ngoại…
''Việc Hùng bị truy nã không phải tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên khi xử lý Hùng, cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào hồ sơ vụ án, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xét xử Hùng với mức án phù hợp theo quy định của pháp luật.
Để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, đối tượng Hùng hãy ra Cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để đầu thú và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội, tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự'', luật sư Phàn A Thương nói thêm.
Theo cơ quan công an, ngày 14/8/2021, Nguyễn Quốc Hùng cùng Dương Văn Đức (39 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Thế Long (44 tuổi, ở quận Hoàng Mai) và Ngô Minh Hà (38 tuổi, ở tỉnh Hà Nam) đi tìm đánh anh N. (34 tuổi). Nguyên nhân được xác định là do anh N. đã đánh anh trai của Đức.
Khi đó, tại ngõ 196 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), các đối tượng dùng hung khí đuổi đánh anh N. khiến nạn nhân bị nhiều thương tích.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án "Giết người" để làm rõ hành vi của các đối tượng. Tuy nhiên, Hùng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên cơ quan công an ra quyết định truy nã đối tượng.
Sông Yên