Bí ẩn kho vàng vua Hàm Nghi (kỳ 3): Cuộc tìm vàng dài... dằng dặc
Từ bức màn huyền bí về kho vàng vua Hàm Nghi, ông Nguyễn Hồng Công đã theo đuổi cho đến cuối cuộc đời mình…
Mùa hè năm 1982, người dân miền biên viễn Hóa Sơn thấy xuất hiện người đàn ông nói giọng Bắc lơ lớ ở bản mình. Cũng chẳng ai tò mò làm gì bởi lúc đó người lạ mặt vào trú tại bản để mua bán, đi khai thác trầm hương, thú rừng… cứ loạn xị cả lên.
Trước lạ sau quen, người ta cứ ăn, ở, chơi với dân bản hàng năm trời. Khi có công an đồn Quy Đạt vào kiểm tra hộ khẩu thì họ được dân bản đưa lên trú trên rừng. Công an rút đi, họ lại về bản ở như chưa có chuyện gì xảy ra...
Từ bí ẩn ở tấm bản đồ và cuốn gia phả
Ông Nguyễn Hồng Công sinh năm 1952, là con trai thứ hai trong một gia đình nông dân ở xã Hải Thượng (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Theo lời ông bộc bạch thì trước khi dấn thân vào cuộc săn tìm kho báu, ông là sĩ quan của một đồn biên phòng thuộc tỉnh Long An.
Biến cố bẻ lệch đời ông diễn ra vào mùa hè năm 1982. Khi đó, Nguyễn Văn L, anh trai của ông Công, là thủy thủ tàu viễn dương, sau một chuyến đi công tác nước ngoài có cầm về một tấm bản đồ nghi là bản đồ vị trí kho báu Vua Hàm Nghi.
Chi tiết về tấm bản đồ này, Nguyễn Hồng Công “xin phép không tiết lộ”, nhưng theo ông thì đường đi nước bước và vị trí của nó đã được hướng dẫn rõ trong một cuốn gia phả, bằng cách nào đó, ông cũng đã nắm chắc và thuộc như trong lòng bàn tay.
Tận dụng những ngày nghỉ phép năm đó, ông Công đã có mặt tại rừng núi Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình) để “thu mua trầm hương” - như ông nói - nhưng thật ra là để phiêu lưu “ngậm ngải tìm… vàng”.
Trong khi sục sạo trong vùng núi Mã Cú, tình cờ ông Nguyễn Hồng Công tìm được một cục đá hình dạng giống như chiếc đầu lâu, một mặt có khắc chữ “Vương”, dấu vết y hệt như trong tấm bản đồ mà ông đang sở hữu.
Tò mò là chính, Nguyễn Hồng Công bỏ mấy ngày trời rà soát và phát hiện ra khá nhiều điều ngẫu nhiên có vẻ trùng hợp và thú vị. Ngọn núi nơi ông tìm ra cục đá có tên là Mã Cú hoặc Yên Ngựa, dưới chân núi có một gò đất rộng, khá bằng phẳng gọi là “Động Quân áp”, tương truyền là nơi cắm trại của đoàn hộ giá nhà vua. Tại đó, có một hòn đá rất to bị mòn vẹt một bên, dân địa phương bảo là “do hàng trăm quân lính mài gươm nên mới vẹt đi”.
Từ hòn đá này, Nguyễn Hồng Công dễ dàng tìm thấy những cây lim xẹt, cây đa, cây bồ kết... cổ thụ mọc bên dòng suối chảy dưới chân núi mà theo ông thì tấm bản đồ và cuốn gia phả đã ghi rất rõ về địa vật, cây cối để xác định kho báu.
Chưa hết, câu chuyện về việc tình cờ tìm thấy kho báu Vua Hàm Nghi năm 1956 tại Hóa Sơn vẫn còn được các bô lão nhắc lại, một số cán bộ, nhà nghiên cứu mà Nguyễn Hồng Công tìm đến hỏi cũng không phủ nhận. Vậy là “không còn nghi ngờ gì nữa”, Nguyễn Hồng Công đã lập tức xin xuất ngũ và bắt tay ngay vào cuộc săn lùng kéo dài hết toàn bộ thời trai trẻ.
Lúc công trường rộn rã, lúc lẻ loi một bóng
Ban đầu, để tránh bị người dân địa phương phát hiện, Nguyễn Hồng Công chỉ đào bới một mình. Ngày đào, đêm nghỉ, 5 năm ròng rã. Thay vì tìm được vàng ròng bạc nén, Công khẳng định rằng ông đã tìm ra được... quy luật xây dựng của kho báu.
Theo ông thì toàn bộ kho báu được bố trí trên một mặt nghiêng hình chữ nhật sắp dài theo triền núi, dài 100m, rộng 50m. Dấu hiệu khởi đầu kho báu là dấu son ở gốc cây lim xẹt, từ đó đi về phía con suối sẽ bắt gặp hòn đá hình đầu lâu. Ba giao điểm của chữ “Vương” (gồm 3 nét ngang, một nét sổ) chính là 3 cửa của kho báu. Giao điểm chính giữa chính là “cống thoát nước”, nét sổ chính là con suối, người xưa dùng suối nước để ngụy trang cho hầm báu vật. Muốn mở hầm kho báu, theo ông việc dứt khoát phải làm là tháo hết... các mạch nước tự nhiên chảy ngầm trong núi.
Đến đó, chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đã dứt khoát trục xuất kẻ đào núi không giấy phép Nguyễn Hồng Công ra khỏi Hóa Sơn. Không cam tâm bỏ dở “sự nghiệp”, Nguyễn Hồng Công đã gom hết tài liệu, tư liệu, làm tờ trình gửi lên Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) rồi thuyết phục tất cả các cơ quan hữu trách của tỉnh Bình Trị Thiên để xin cho được giấy phép săn lùng kho báu.
Có vẻ như những tài liệu có sức thuyết phục cao cho nên năm 1987, ông Công đã nắm trong tay giấy phép do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên cấp. Với giấy phép này, Nguyễn Hồng Công đã thuyết phục được mọi người góp vốn để bắt tay vào cuộc khai quật công khai và có quy mô.
Hè năm 1987, hàng tấn máy móc, hàng chục con người, đã rầm rập theo Nguyễn Hồng Công về Hóa Sơn xẻ núi. Những thanh niên khỏe mạnh ở Hóa Sơn cũng không còn phải vào rừng nữa mà được thuê làm công nhân đào vàng với lương cao nên ai cũng hồ hởi.
Nhiều tháng liền ở triền núi Mã Cú, ban ngày, người làm theo ca kíp cứ nhộn nhịp như công trường. Ban đêm, máy phát điện thắp điện sáng rực cả một góc rừng. Sau nhiều tháng xới bay cả núi, tiền hết, xăng dầu cạn, kho báu vẫn bặt vô âm tín. Chán nản, các “cổ đông” lần lượt tháo máy, rút quân. Còn lại một mình Nguyễn Hồng Công đứng trước những hố đào dở dang, mấy mảng đồi lẹm góc, nham nhở…
Cứ tưởng đến đó là sẽ kết thúc một cuộc tìm vàng hiếm thấy và núi Mã Cú sẽ bình yên trở lại. Khi đoàn người, máy móc rút đi hết, chỉ còn lại cái nền đất vốn mới đóng lán chỉ huy cuộc truy tìm vàng thì còn có người quay lưng lại với đoàn người rời núi.
Nguyễn Hồng Công đã không xuống núi vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm mà ông tin chắc “thành công đã hiện ra trước mắt”. Trong khi đó, nhiều người lên nhặt nhạnh những gì mà đoàn đào vàng bỏ lại khẳng định “kho vàng” chỉ là hoang đường, vô vọng.
Khi những “cổ đông” lớn rút hết, Nguyễn Hồng Công cũng đã về lại thành phố Hồ Chí Minh để xoay tìm nguồn tài chính phục vụ cho việc tìm kiếm kho vàng vua Hàm Nghi. Rồi cũng có ngày trở lại Hóa Sơn. Ông lại tiếp tục thuê người làm, thuê chị nuôi nấu bếp phục vụ ăn uống cho những cộng sự của mình.
Tháng ngày lại cứ lặng lẽ qua dần với những mùa trăng. Thêm vài bận về đón giao thừa với dân trong bản là tiền nong của ông cũng cạn kiệt dần. Ông cũng không còn tiền để trả công cho người làm nữa. Những người này họ rất thương ông, không ai bảo ai, đều tình nguyện làm công không cho ông thêm tháng nữa rồi mới tạm biệt. Thi thoảng, đi săn được thú rừng, nhớ đến ông, họ lại trèo dốc mang lên cho khi miếng thịt, khi trái bầu hay mấy đọt măng rừng.
Tiếp đến là những ngày ông thui thủi một mình không kể nắng mưa hay gió bão miền biên viễn. Có những trận bão rừng, không về bản kịp, ông chỉ vơ vội bao đựng áo quần chui sâu vào một hầm vàng tránh cơn gió lớn. Đến khi bão tan, ngôi lán bị cây đỗ đè sập, nồi niêu, bát đũa văng xuống tận chân đồi. Ông phát gạt cây rừng, tìm tòi từng thứ mang về.
Tôi hỏi ông, có lúc nào đã xảy ra chuyện để khiến ông phải bật lên ý định bỏ về không. "Có chứ” - ông nói. Nhưng theo lời ông thì có những trận ốm, có khi ngạt khí dưới hầm… vẫn không làm ông lay chuyển.
Đó là một đêm đông, khi ông đang thiu thiu ngủ thì chợt thoáng rùng mình nhận ra sự lạnh toát len vào từ dưới chân. Cái lạnh len dần lên bụng, lên ngực… thì cũng lúc ông nhận ra đó là một con rắn lớn bò vào lán rồi chui vào chăn ông đang đắp. Sợ cứng cả người, ông nằm yên bất động thầm xin con rắn bò đi. Con rắn trườn lên ngực rồi quấn quanh cổ ông một vòng và nằm yên như thế. Ông như nín thở, hai mắt mở to nhìn trên mái lán đầy bóng tối, mũi nén hơi thở nhẹ như bấc. Trong sự khiếp đảm, ông bất động mà nghe mồ hôi nhỏ từng giọt dưới lưng mình. Cho đến khi con rắn trườn đi lúc nào ông cũng không hay vì toàn thân đã tê cứng, mất cảm giác lạnh.
“Sáng hôm sau, tôi đốt đống lửa to ở giữa lán rồi mang túi xuống núi định bỏ về. Nhưng đến chân núi thì chân như có cảm giác không đi được nữa. Thế là tôi lại quay lên và hôm sau lại vào hầm đào đất…”, ông nhớ lại.
Từ đó về sau, ông về bản mua hoặc xin thật nhiều hạt nén để thi thoảng rải quanh lán. “Nghe bà con nói cho kinh nghiệm như vầy. Rắn rết thường kỵ mùi nén nên khi rải hạt nén là chúng không vào nữa”, ông vừa nói vừa gật gật đầu như chiêm nghiệm ra điều gì.
Bí ẩn kho vàng vua Hàm Nghi (kỳ 2): Huyền thoại qua… sử địa
Những vết tích, những hiện vật được tìm thấy, được lưu giữ như phần nào hé lộ về kho báu mà trên chặng đường bôn tẩu vua Hàm Nghi đã để lại…
(còn nữa)
Theo nongnghiep.vn