Bệnh nhân đau dạ dày kiêng gì ngày Tết
Đau dạ dày hay còn gọi là đau bao tử là một căn bệnh phổ biến trong đời sống hiện nay nhưng nhiều người lại rất chủ quan trong việc điều trị cũng như không hiểu rõ về bệnh lý đau dạ dày.
Theo GS.TS Đào Văn Long – Nguyên Trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật người bệnh đau dạ dày thường có các triệu chứng sau:
Bệnh nhân cảm thấy đau ở thượng vị: có người thì đau bụng âm ỉ nhưng cũng có người lại đau dữ dội. Càng nặng thì càng đau thường xuyên hơn. Đau tức vùng bụng trên là một trong những dấu hiệu điển hình của viêm loét dạ dày giai đoạn đầu. Vùng bụng trên rốn thường xuất hiện những cơn đau bất thường, ngày càng dày và nặng hơn. Thời gian đầu, cơn đau thường xuất hiện khi đói quá hoặc no quá.
Cảm giác chướng hơi, đầy bụng, không tiêu hoá được: Đầy bụng trên sau khi ăn là cảm giác có thể biểu hiện bạn bị đau dạ dày ở mức độ nhẹ. Nên theo dõi tình trạng cơ thể mình để phát hiện bệnh sớm, dễ chữa trị. Trong trường hợp để lâu, bệnh tình sẽ trở nên nghiêm trọng, gây ra những biến chứng khó lường.
Ợ chua, ợ hơi hoặc có thể ợ ra chất đắng như mật, do sự vận động của dạ dày bị rối loạn làm thức ăn bị khó tiêu dẫn tới lên men và sinh ra hơi. Đây là một triệu chứng bệnh đau dạ dày thường gặp ở các bệnh nhân. Nếu tự nhiên mà bạn bị ợ và chướng bụng liên tục nên đi kiểm tra bác sỹ ngay.
Theo GS.TS Đào Văn Long người bệnh đau dạ dày ngày Tết cũng là một thách thức với họ.
GS Long cho biết: “Cứ mỗi dịp Tết đến, số lượng bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tiêu hóa lại tăng cao. Những bữa ăn quá nhiều chất, không theo giờ giấc sẽ làm hệ tiêu hóa bị xáo trộn. Nhẹ thì gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì gây ra ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh lý khác về dạ dày, gan, mật, tụy...”.
Bữa ăn ngày Tết chắc chắn không thể thiếu những chén rượu, cốc bia, đi kèm với đó là các loại đồ ăn nhiều đạm, chất béo khó tiêu (bánh chưng, giò, chả...), thực phẩm chua cay (dưa hành, rau của quả muối…). Đồng thời với đó là thói quen sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, ăn uống thất thường, thức khuya, dậy muộn. Tất cả những điều này góp phần thúc đẩy các cơn đau dạ dày xuất hiện, đặc biệt với những người có tiền sử viêm loét dạ dày, hoặc các bệnh lý về dạ dày mãn tính thì sẽ cảm nhận tình trạng đau rõ rệt hơn.
Bệnh nhân đau dạ dày nên ăn gì ngày Tết. |
Để tránh những cơn đau dạ dày cấp tính khởi phát và bệnh đau dạ dày mãn tính tái phát dịp Tết, GS Long khuyến cáo người bệnh cần:
Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, không thức quá khuya, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày,…
Hạn chế các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, trà đặc, tuyệt đối không uống rượu bia trong lúc đói hay liên tục suốt những ngày Tết. Rượu, bia không chỉ gây hại đối với dạ dày mà còn “phá hủy” gan, tụy gây ra các bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp,…
Ăn uống điều độ, đúng giờ, hạn chế các thức ăn chiên, xào khó tiêu, nhiều gia vị, dưa, cà, hà, các quả chua,…đặc biệt là dưa hành và các loại rau củ quả muối.
Thịt mỡ, dưa hành vốn là món ăn truyền thống trong mâm cỗ ngày tết nhưng trong dưa hành, rau củ quả muối có nhiều chất gây chua làm dạ dày tăng tiết axit gây đau dạ dày. Ngoài ra, trong dưa hành và các loại rau củ quả muối còn chứa một lượng lớn muối.
Với người bị đau dạ dày, đặc biệt là đau dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), GS Long cho rằng thực phẩm muối chua, thực phẩm có chứa nhiều muối sẽ làm cho vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn. Vi khuẩn này khi kết hợp với muối gây ra hiện tượng đứt gãy các ADN của tế bào niêm mạc dạ dày, dẫn đến hiện tượng viêm loét, dị sản, loạn sản niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Đối với những người đang mắc các bệnh lý về dạ dày cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị cũng như hướng dẫn dinh dưỡng của bác sĩ. Nếu những cơn đau vẫn dai dẳng không dứt, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh để bệnh diễn biến lâu, biến chứng thành các bệnh lý nguy hiểm khác.
Khánh Chi