Bên trong hành lang bí mật mới được phát hiện của Đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập
Khám phá bên trong Đại kim tự tháp Giza, một trong số 7 kỳ quan của thế giới cổ đại vẫn còn tồn tại đến ngày nay, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Rà quét kim tự tháp kể từ năm 2015. Các nhà khảo cổ học đã sử dụng công nghệ không xâm lấn, bao gồm đo nhiệt độ hồng ngoại, mô phỏng 3D và chụp ảnh bằng tia vũ trụ để quan sát bên trong cấu trúc.
Theo một bài báo đăng trên tạp chí Nature ngày 2/3, phát hiện mới có thể cung cấp thêm kiến thức về việc xây dựng kim tự tháp cũng như mục đích của cấu trúc đá vôi có đầu hồi, nằm phía trước hành lang.
Đại kim tự tháp Giza được xây dựng như một lăng mộ hoành tráng vào khoảng năm 2560 trước Công nguyên, dưới triều đại của Pharaoh Khufu. Từng được xây dựng cao tới 146m mét, kim tự tháp hiện cao 139m và là công trình kiến trúc cao nhất do con người tạo ra cho đến khi Tháp Eiffel ở Paris, Pháp trình làng vào năm 1889.
Mostafa Waziri, người đứng đầu Hội đồng Cổ vật tối cao của Ai Cập nhận định, hành lang ẩn giấu, chưa hoàn thiện có thể được tạo ra nhằm phân bổ lại trọng lượng của kim tự tháp xung quanh lối vào chính, cách đó gần 7m hoặc xung quanh một căn phòng hoặc không gian khác chưa được khám phá.
5 căn phòng nằm trên phòng an táng Pharaoh ở một phần khác của kim tự tháp cũng được cho có vai trò phân bổ lại trọng lượng của cấu trúc đồ sộ. Ông Waziri lưu ý thêm, Pharaoh có thể sở hữu hơn một phòng an táng.
Năm 2017, các nhà nghiên cứu thuộc dự án đã công bố phát hiện một khoảng trống dài ít nhất 30m bên trong đại kim tự tháp, cấu trúc lớn bên trong đầu tiên được tìm thấy kể từ thế kỷ 19.
Tuấn Anh