Bến Tre chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe người dân
Ngành y tế tỉnh Bến Tre đã có bước phát triển đột phá trong ứng dụng CNTT, tiếp cận các công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy. |
100% bệnh viện triển khai hoá đơn điện tử
Trước đó hạ tầng tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh Bến Tre chỉ đạt từ mức 2 đến mức 3 theo Thông tư số 54 của Bộ Y tế - cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT ở quy mô nhỏ.
100% máy tính tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc có sử dụng Internet dưới phương thức tự thuê bao dịch vụ của các công ty viễn thông trên địa bàn tỉnh. 100% máy tính tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc có mạng nội bộ và kết nối mạng không dây.
Sau khi áp dụng triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành của Bộ Y tế và VNPT-iOffice đến 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc đảm bảo tiến độ xử lý công việc nhanh, hiệu quả, giảm xử lý công việc bằng văn bản giấy.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Y tế được triển khai qua Cổng dịch vụ công Bộ Y tế.
Tại các bệnh viện, việc ứng dụng CNTT đã giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), tiết kiệm nguồn nhân lực ngành y cũng như các chi phí phát sinh khác.
Cụ thể, 100% các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn đã triển khai phần mềm HIS (Hệ thống thông tin bệnh viện). Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đảm bảo công khai minh bạch, người tham gia bảo hiểm y tế được bảo đảm quyền lợi hợp pháp khi đi KCB. Hiện có 3 bệnh viện triển khai hệ thống tư vấn KCB từ xa (Tele-Health) là Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ba Tri.
Đặc biệt, đến thời điểm này, Sở Y tế tỉnh Bến Tre đã có toàn bộ dữ liệu dân cư Bến Tre do Bộ Y tế cung cấp, gồm: dữ liệu về người dân, hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế bao gồm thông tin về định danh cá nhân (họ tên, ngày sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số định danh, quốc tịch, tôn giáo), nơi khai sinh, địa chỉ cư trú, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, mã hộ gia đình, quan hệ với chủ hộ, đã hoặc chưa tham gia BHYT, mã thẻ bảo hiểm, loại bảo hiểm. Đồng thời, đã được Cục CNTT thuộc Bộ Y tế hướng dẫn kết nối cổng tiêm chủng quốc gia để trích xuất dữ liệu tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Không chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, địa phương này cũng đã tích cực đẩy mạnh CTTT tại hệ thống y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã. Tổ chức triển khai hệ thống phần mềm thống kê y tế điện tử trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong đó, đặc biệt ứng dụng CNTT hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19…
Hiện 100% bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế huyện, thành phố có chức năng KCB đã thực hiện triển khai hóa đơn điện tử. 6/16 bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế huyện, thành phố đã triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Sở Y tế đã triển khai hệ thống liên thông Dược Quốc gia (Bộ Y tế) từ năm 2019. Đến ngày 30/12/2020, toàn tỉnh có 751/1.531 cơ sở dược thực hiện kết nối dữ liệu, đạt tỷ lệ 49,05%.
Được biết, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Bến Tre vẫn tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tập trung vào các mục tiêu chính như: tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý y tế.
Triển khai hệ thống văn phòng điện tử, xây dựng nền quản trị y tế thông minh. Xây dựng và sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh (Apps), cho phép trao đổi thoại, hình ảnh, hội họp giữa nhiều người trên các thiết bị đầu cuối thông minh.
Đồng thời, qua các ứng dụng có thể trao đổi, lưu trữ, chia sẻ các tệp tin chuyên môn giữa các bác sĩ trong khi hội họp. Ứng dụng cũng cho phép người dùng có thể đọc tin tức, đặt lịch hẹn khám, xét nghiệm, hỏi đáp, tìm hiểu lịch sử khám chữa bệnh... Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin quản lý các cơ sở y tế, triển khai trên hệ thống bản đồ số, hỗ trợ người dân tìm kiếm các cơ sở y tế phù hợp được thuận lợi, dễ dàng.
Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các CNS; ứng dụng CNS toàn diện tại các cơ sở KCB, góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng KCB, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên CNS, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.
Thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng”, với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Trên cơ sở đó, từng người dân được bác sĩ tư vấn, chăm sóc khỏe như là bác sĩ riêng; hình thành hệ thống chăm sóc y tế số hoàn chỉnh; tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho KCB từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc với bác sĩ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.
H. Anh