Bé sơ sinh bị bỏ rơi ở hố ga tử vong: Sốc nhiễm khuẩn hay gặp ở đối tượng nào?
Tin từ BV Xanh Pôn cho hay, bé sơ sinh bị mẹ bỏ rơi dưới hố ga đã không qua khỏi vào 13h30 chiều nay, 29/ 6 vì tình trạng sốc nhiễm khuẩn quá nặng.
Bé Nguyễn Văn An đã không qua khỏi |
Trước đó, vào chiều ngày 8/6, bé được người dân xã Thanh Mỹ (Sơn Tây) phát hiện dưới hố ga khi nhiệt độ ngoài trời lúc đó lên tới 39- 40 độ C. Lúc phát hiện trên người bé đã có nhiều kiến bu và có dòi. Cháu bé đã được đưa đến Trạm y tế xã, sau đó chuyển đến Bệnh viện Sơn Tây và chuyển tiếp đến Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội vào 19h cùng ngày trong tình trạng kiệt sức.
Ngay từ thời điểm nhập viện, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã xác định bé bị nhiễm khuẩn sơ sinh và được điều trị kháng sinh ngay từ đầu. Trong quá trình điều trị tại Bệnh viện, vấn đề nhiễm khuẩn luôn trong tình trạng khó kiểm soát, bé nhiều lần rơi vào nguy kịch vì sốc nhiễm khuẩn.
Dù các bác sĩ đã điều trị rất tích cực, với phác đồ được hội chẩn kỹ lưỡng giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Nhi Trung ương và các chuyên gia Vương quốc Anh, nhưng đến 13h30 chiều nay, 29/6, tức là sau 21 ngày điều trị, bé An đã mất vì sốc nhiễm khuẩn, do nhiễm khuẩn huyết quá nặng.
Sốc nhiễm khuẩn là tình trạng sốc xảy ra như là một biến chứng nặng của nhiễm trùng huyết, nếu không điều trị thích hợp, kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương tế bào, tổn thương đa cơ quan đưa đến tử vong.
Trong sốc nhiễm khuẩn, có sự giảm đáng kể trong tưới máu mô; suy chức năng cấp tính của nhiều cơ quan, bao gồm phổi, thận và gan, có thể xảy ra.
Các nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch bao gồm nhiều loại vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có thể gặp các nguyên nhân do những loài vi khuẩn hoặc nấm không phổ biến…
Sốc nhiễm khuẩn xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi và phụ nữ mang thai. Các yếu tố dự đoán bao gồm: Đái tháo đường, Xơ gan, Giảm bạch cầu (đặc biệt là liên quan đến ung thư hoặc điều trị bằng thuốc gây độc tế bào)
Các dấu hiệu bao gồm sốt, tụt huyết áp, thiểu niệu và lú lẫn. Chẩn đoán chủ yếu là lâm sàng kết hợp với kết quả nuôi cấy cho thấy nhiễm trùng; nhận biết sớm và điều trị là rất quan trọng. Điều trị bao gồm bù dịch tích cực, kháng sinh, phẫu thuật cắt bỏ mô nhiễm trùng hoặc hoại tử và dẫn lưu mủ, và chăm sóc hỗ trợ…
N. Huyền
Ồ ạt khuyến cáo tiêm phòng viêm não Nhật Bản, có lo thiếu văc-xin?
"Trước đây bệnh viêm não Nhật Bản có đỉnh, bệnh theo mùa nhưng bây giờ vi – rút vẫn lưu hành quanh năm cho nên bất cứ thời điểm nào cũng nên đi tiêm, đặc biệt thời điểm này bệnh có thể gia tăng”, Phó Giám đốc CDC Hà Nội khuyến cáo