Bé gái 12 tuổi mang bầu ngực khổng lồ, đi ngủ phải đặt gối hai bên để đỡ
Chỉ trong vòng một năm, bầu ngực của bé 12 tuổi đã to “khổng lồ” đến mức đi ngủ luôn phải đỡ bằng hai tay, đặt hai gối hai bên ngực để đỡ hai bầu ngực... Bé tự ti đến mức không dám đi học.
Bé là P.A (12 tuổi, quê Cẩm Sơn, Thái Nguyên). Theo lời người nhà bệnh nhi, cách đây một năm, ngực con có dấu hiệu to lên cùng với quá trình dậy thì của bé. Ban đầu cả nhà đều nghĩ bình thường nhưng rồi vòng một của con cứ lớn lên từng ngày mà không có dấu hiệu dừng lại, đến mức con không thể đi lại được thì gia đình mới tá hoả đưa con đi khám ở một bệnh viện nhi. Bác sĩ kết luận em mắc bệnh tuyến vú khổng lồ và khuyên chờ đến 16-18 tuổi mới có thể can thiệp.
Quá sốt ruột với tình trạng của con, gia đình quyết định đưa con đến khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.
Bộ ngực khổng lồ của bé gái 12 tuổi |
Thông tin với phóng viên Infonet, TS.BS Phạm Thị Việt Dung (trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội - hiện phụ trách khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi tiền sử khỏe mạnh vào viện vì tình trạng phì đại tuyến vú 2 bên mức độ khổng lồ với kích thước vú (P) khoảng 3200ml , vú (T) khoảng 2700ml làm cho bệnh nhân khó thở, đi ngủ luôn phải đỡ bằng hai tay và kê hai gối hai bên ngực để đỡ hai bầu vú.
“Bệnh nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày, tình trạng này làm bệnh nhân phải nghỉ học.
Bên cạnh đó, bệnh nhân luôn buồn bã, tự ti và lo sợ. Bệnh nhân phát hiện hai vú lớn nhanh trong thời gian ngắn, thời gian đạt đến kích thước hiện tại chưa đến 1 năm. Tình trạng này xuất hiện cùng với quá trình dậy thì của bé.
Qua lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân là Phyllodes tuyến vú 2 bên. Việc khẳng định chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn vàng là kết quả sinh thiết thấy các tế bào của khối u xếp thành hình lá. Đây là bệnh lý phì đại tuyến vú lành tính, tuy nhiên, có một số ít trường hợp ác tính. To lên rất nhanh chóng đạt đến mức độ khổng lồ là một trong những đặc tính của bệnh lý này”, TS. BS Việt Dung nói.
Ngay sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật. GS Trần Thiết Sơn, khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cùng ekip của khoa tiến hành phẫu thuật cho bé.
Các bác sĩ đã tiến hành mổ cho bệnh nhi |
GS Sơn đánh giá đây là ca bệnh khó, P.A. cũng là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ông từng thực hiện phẫu thuật thu nhỏ vú phì đại.
"Đeo bộ ngực lớn có thể gây cong vẹo cuộc sống và kéo toàn bộ hệ thống mạch máu ở cổ bị biến đổi dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não kèm biến đổi về tâm lý. Trẻ không dám sinh hoạt, vận động, ngại tiếp xúc với bạn bè. Hệ lụy là nhiều trẻ sống thu mình, bỏ học hoặc không dám đi học. Vì vậy phẫu thuật là phương pháp tốt nhất giúp giải quyết các triệu chứng khó chịu cũng như mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho bệnh nhân", ông nói thêm.
Theo TS. BS Việt Dung nếu bệnh nhân đến viện sớm hơn thì bệnh nhân không mất cả năm trời phải chịu đựng hai bầu vú khổng lồ này. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân đến sớm, việc giải quyết tình trạng vú to quá khổ sẽ dễ dàng hơn và ít nguy cơ trong mổ cũng như nguy cơ biến chứng hơn.
“Khi bầu vú càng lớn thì nguy cơ mất máu trong mổ càng lớn, nguy cơ hoại tử quầng núm vú cũng cao hơn nhiếu so với khi phẫu thuật cho vú phì đại mức độ vừa. Tuy nhiên, cũng may mà chưa xảy ra các biến chứng, di chứng gì đáng tiếc trong suốt quá trình bệnh lý và phẫu thuật”, TS. BS Việt Dung thông tin.
Được biết, kíp mổ đã tiến hành cắt toàn bộ khối phyllode tuyến vú 2 bên (trọng lượng khoảng 6kg) và tạo hình tuyến vú bằng vạt da, tổ chức dưới da và một phần tuyến (không chứa các khối u) mang quầng núm vú.
Hiện tại hậu phẫu ngày thứ 5, bệnh nhi tỉnh táo, đã có thể đi lại bình thường, thể tích tuyến vú 2 bên giảm đáng kể giúp cho việc đi lại và sinh hoạt hằng ngày tốt hơn.
Tuy nhiên, TS. BS Việt Dung lưu ý dù cắt bỏ toàn bộ khối phyllode tuyến vú 2 bên, tình trạng này vẫn có khả năng tái phát. Trong trường hợp u vú tái phát, phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú có thể cần phải tiến hành để điều trị triệt để.
Với tình trạng hiện tại, nếu không có các bất thường khác phối hợp thì tình trạng này không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản của bệnh nhân, bệnh nhân vẫn có khả năng mang thai bình thường bởi vì hormone, cơ quan sinh dục như tử cung, buồng trứng, âm đạo hoàn toàn bình thường.
“Qua trường hợp này chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh cần sớm phát hiện và đưa các bé đến khám ngay tại cơ sở chuyên khoa uy tín khi có tình trạng bất thường tuyến vú, tránh để các khối quá lớn vùng vú gây gù vẹo cột sống, ảnh hưởng tâm lý, ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày cho trẻ cũng như tăng độ khó và nguy cơ biến chứng trong cuộc phẫu thuật”, TS. BS Việt Dung nhấn mạnh.
N. Huyền