Bé 4 tuổi thủng màng nhĩ vì mẹ tự chữa viêm tai giữa
Viêm tai giữa là bệnh thường gặp trong bệnh lý về tai, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em - đứng hạng thứ 2 chỉ sau bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
Chị Nguyễn Thị Phương Ch. ở Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội đưa con đến khám bệnh trong tình trạng tai chảy dịch, sốt cùng với những triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, đau nhức ở trán và hai bên thái dương.
Qua thăm khám nội soi tai mũi họng, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tai giữa cấp do biến chứng của viêm VA. Chị Ch. cho biết gia đình đã đưa con đi khám ở nhiều nơi, dùng thuốc kháng sinh cả tuần con khỏi, sau 1 tháng bệnh của con lại tái phát. Tâm trạng lo lắng, sốt ruột khi con kém ăn, chậm lớn khiến chị Ch. rất mệt mỏi.
Còn bé Nguyễn Quốc Nh., nhà ở Thanh Trì, Hà Nội bị viêm tai giữa chảy dịch nhưng sợ dịch bệnh bố mẹ cho bé đi thổi thuốc vào tai. Sau hai tuần kiên trì thổi thuốc vào tai đến khi tai có mùi thối mới đến bệnh viện khám. Kết quả bé bị viêm tai giữa biến chứng, thủng màng nhĩ. Bác sĩ cho biết trước mắt điều trị tình trạng nhiễm trùng của bé, sau khi ổn định sẽ phải phẫu thuật vá màng nhĩ.
PGS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện An Việt Hà Nội cho biết thời gian dịch bệnh nhiều gia đình sợ hãi nên cố giữ con ở nhà điều trị hoặc điều trị theo các cách trên mạng dẫn tới tiền mất tật mang.
PGS An cho biết đa số các trường hợp viêm tai giữa cấp đều có nguyên nhân từ viêm đường hô hấp trên: viêm VA, viêm mũi, họng cấp.
PGS Nguyễn Thị Hoài An - khám cho bệnh nhi. |
Có trường hợp cha mẹ còn ngỡ ngàng khi thấy bác sĩ chẩn đoán con bị viêm tai giữa.
Các bậc phụ huynh cho rằng phải có nước chảy vào tai thì mới có thể bị viêm được, hoặc nếu viêm tai giữa thì phải có chảy mủ tai nhưng họ không biết rằng viêm tai giữa là hậu quả của bệnh viêm đường hô hấp trên.
Viêm tai giữa cấp ở trẻ em là bệnh lý thường gặp dễ điều trị tuy nhiên vì ngại đưa trẻ đến bệnh viện nhiều cha mẹ dựa vào kinh nghiệm đã có hay thông tin trên mạng để tự mua thuốc chữa trị cho con.
Đây là một trong những sai lầm phổ biến thường gặp dẫn đến bệnh không thuyên giảm, dễ trở nặng hoặc có thể gây nguy hiểm.
Những biến chứng, hậu quả để lại của căn bệnh này như: thủng màng nhĩ, liệt mặt, viêm tai xương chũm, ảnh hưởng đến khả năng nghe - nói, thậm chí là viêm màng não, áp xe não...
Nguyên nhân bị viêm tai giữa, PGS An cho rằng hay gặp nhất đó là nhóm nhiễm khuẩn, có thể là do vi khuẩn, vi rút.
Các loại vi khuẩn, vi rút thường xuyên gây ra các bệnh nhiễm đường hô hấp trên đấy chính là nguyên nhân gây ra viêm tai giữa.
Nguyên nhân thứ hai cũng do thói quen sinh hoạt, yếu tố về môi trường, vấn đề ôi nhiễm môi trường.. thì nó cũng tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp trên từ đó gây ra viêm tai giữa.
Theo PGS An những triệu chứng bệnh cảnh lâm sàng của em bé bị viêm tai giữa cấp bao giờ cũng thấy cũng có các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trẻ có thêm biểu hiện của nhiễm khuẩn đường hô hấp trên gồm có chảy mũi, ho, ngạt tắc mũi, một vài ngày thì xuất hiện có mủ trong tai và khi có mủ trong tai em bé sẽ có biểu hiện sốt đến rất cao, có thể sốt cao 39 – 40 độ.
Còn những trường hợp nhẹ hơn em bé thường có biểu hiện lắc lắc đầu, một số trẻ thì bị viêm tai giữa cấp kèm theo tiêu chảy. Bởi khi nhiễm vi khuẩn trong tai giữa niêm, thì niêm mạc đường hô hấp trên và tai giữa thì nó lại đồng hành với niêm mạc của đường tiêu hóa.
Khánh Chi