Bé 28 tháng tuổi bị chó cắn nghiêm trọng vùng mặt, cách nào giảm thiểu nguy cơ này?
Ngày 14/12, bé được gia đình đưa vào viện trong tình trạng hoảng loạn. Vùng mặt có nhiều vết thương chảy máu. Ngay lập tức được các bác sỹ răng hàm mặt cấp cứu cầm máu, giảm đau, băng bó vết thương và chuyển phẫu thuật cấp cứu. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bé ổn định.
Trường hợp trẻ nhỏ bị chó nhà cắn gần đây càng trở nên phổ biến, rất nhiều các bé bị tổn thương rất nghiêm trọng thậm chí tử vong do bị chó cắn (trong đó hầu hết là do mắc bệnh dại).
Trước đó, vào đầu tháng 6, tại thôn An Mỹ (xã Bình An, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), 3 cháu nhỏ đang chơi đùa ngoài sân thì bị chó tấn công, một em không may tử vong vài giờ sau đó. Hai em còn lại được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam Nguyễn Đức Hùng Sơn cho biết, hai bé được đưa đến viện cấp cứu với vết thương nặng nề. Các bác sĩ đã tiến hành tiêm phòng bệnh dại cho 2 cháu.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận đã có 40 trường hợp tử vong.
Số trường hợp tử vong do bệnh dại ở một số tỉnh đã giảm đáng kể, nhưng số trường hợp tử vong từ năm 2017 đến năm 2021 vẫn tăng ở 20 tỉnh so với giai đoạn 2011-2016.
Điều đáng nói là các bé bị cắn bởi những con chó được nuôi trong gia đình hoặc hàng xóm. Những vật nuôi thường ngày hay gần gũi và người nhà thường không có đề phòng nhiều với chúng.
Bởi theo Bác sĩ Mai Thị Thúy, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn.
Thông thường thời gian ủ bệnh là 1-3 tháng sau khi bị chó, mèo cắn, nhiều trường hợp lên cơn dại chỉ sau một tuần hoặc có người đến vài năm.
Khi vết chó cắn đã liền sẹo, nạn nhân quên mất từng bị chó cắn, như bệnh nhân này là 4 năm. Hồi tháng 10, cô gái 18 tuổi, ở Cao Bằng cũng tử vong do phát bệnh dại sau hai năm bị chó cắn mà không tiêm phòng.
"Tùy thuộc vào sức đề kháng của bệnh nhân và tình trạng vết cắn, vị trí và số lượng virus xâm nhập, thời gian phát bệnh dại ở mỗi người sẽ khác nhau", bác sĩ Thúy nói.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Bệnh có thể dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại, tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.
Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh dại cực kỳ nguy hiểm, chưa có thuốc trị. Nhiều trường hợp tử vong vì không nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh, hoặc chủ quan không tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm.
Do đó, các bác sỹ khuyến cáo, phụ huynh có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải được chích ngừa, xích ở nơi xa trẻ em, rọ mõm, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ.
Phụ huynh cũng cần cảnh giác với chó nuôi trong tất cả mọi trường hợp, chó càng lớn thì mức độ gây sát thương cho trẻ càng cao.
Nếu chẳng may bé có bị chó, mèo cắn nên rửa vết thương với nước sạch, sau đó dùng gạc hoặc vải sạch băng lại và đưa ngay bé đến cơ sở y tế gần nhất và lưu ý nhớ tiêm phòng dại theo y lệnh của bác sỹ. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Với chó mèo cần tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
N. Huyền