Đắk Lắk triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tối đa tai nạn, thương tích ở trẻ em
Trước tình hình mỗi năm có hơn 1.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước. Tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu, trong đó phấn đấu các mục tiêu trong thời gian tới phải đạt 100%.
Cụ thể, 100% người làm công tác trẻ em cấp xã, 100% giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, 100% cán bộ Đoàn, Đội cấp huyện, cấp xã và trường học được tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
100% cộng tác viên trẻ em, nhân viên y tế thôn, buôn, tổ dân phố được huấn luyện và vận dụng thành thạo các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích.
100% cha mẹ có con trong độ tuổi trẻ em, người chăm sóc trẻ em được truyền thông; 80% hiểu về trách nhiệm của mình trong giám sát trẻ em; 50% biết về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; 20% vận dụng thành thạo các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích.
100% trẻ em ở độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở được trang bị kiến thức cơ bản về tai nạn, thương tích; 100% biết các kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống tai nạn, thương tích trong sinh hoạt, học tập, tham gia giao thông, hoạt động dã ngoại, du lịch; 50% biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Để đạt được những mục tiêu nói trên tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên quan tâm, đầu tư kinh phí ngân sách cho địa phương nhằm thực hiện các giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, nhất là công tác bảo vệ trẻ em cấp độ 1 (cấp độ phòng ngừa) và huy động từ nguồn xã hội hóa trong xã hội.
Thường xuyên kiện toàn cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; hệ thống bảo vệ trẻ em; xây dựng và thực hiện chính sách phù hợp với đội ngũ cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn dân cư.
Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ, người làm công tác trẻ em, cho trẻ em, gia đình, trường học và cộng đồng.
Tiếp tục triển khai thực hiện rộng rãi, hiệu quả các mô hình, dự án liên quan đến công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ em ở gia đình thông qua xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; ở trường học thông qua xây dựng Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích và ở cộng đồng thông qua xây dựng Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích.
Tiếp tục tăng cường, nâng cao và đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện trong tham mưu, thực hiện công tác tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là vai trò điều phối của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hải Dương