Bảo hiểm nghề nghiệp là "thuốc an thần" của bác sĩ?
Bác sĩ Võ Văn Tiến |
BS Võ Văn Tiến cho biết, Bệnh viện Nguyễn Trãi cũng mới mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho một số vị trí nhạy cảm, dễ xảy ra vấn đề thắc mắc, kiện tụng như bác sĩ, điều dưỡng của khoa cấp cứu, khoa phẫu thuật, vừa để bác sĩ yên tâm đồng thời cũng có trách nhiệm rõ ràng của bên bảo hiểm khi có vấn đề xảy ra.
Mỗi khi xảy ra vấn đề bồi thường hay kiện tụng đều có tác động không nhỏ tới tâm lý của bác sĩ. Khi có bảo hiểm, họ sẽ an tâm hơn. Tuy nhiên, không phải có bảo hiểm thì bác sĩ, điều dưỡng lơ là công việc hơn, mà càng cần phải có trách nhiệm.
Bệnh viện cũng xác định mua bảo hiểm nghề nghiệp nhưng khi xảy ra rủi ro, nếu là nguyên nhân khách quan bảo hiểm sẽ chi trả. Còn nếu do nguyên nhân chủ quan, do bác sĩ lơ là, thì bệnh viện, bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm.
BS Tiến cho biết, trước đây, khi chưa có bảo hiểm, nếu xảy ra vụ việc khiếu kiện, phải bồi thường, cá nhân bác sĩ là người phải chịu trách nhiệm chính. Bệnh viện chỉ hỗ trợ một phần. Bệnh viện đã xác định rõ đối với đội ngũ y bác sĩ, nếu vụ việc xảy ra do nguyên nhân chủ quan, cá nhân bác sĩ phải chịu trách nhiệm một phần để thấy khuyết điểm mà sửa sai.
Nhưng nếu để bác sĩ phải chịu một mình sẽ tạo thành vấn đề tâm lý đối với bác sĩ đó trong quá trình làm việc, điều trị sau này, có thể ảnh hưởng đến người bệnh.
Theo BS Tiến, trước đây, bệnh viện cũng đã khuyến khích các bác sĩ tự mua bảo hiểm nghề nghiệp cho mình nhưng do điều kiện kinh tế nên hầu như không bác sĩ nào thực hiện. Đến khi Bộ Y tế cũng có văn bản khuyến khích các bệnh viện mua bảo hiểm nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế thì bệnh viện quyết định mua, trích từ quỹ phúc lợi của bệnh viện chứ không trừ vào thu nhập của bác sĩ.
BS Tiến chia sẻ, bảo hiểm nghề nghiệp cũng giống như bảo hiểm tài sản hay bảo hiểm hỏa hoạn, mua nhằm phòng ngừa những rủi ro không mong muốn. Mục đích nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, quản lý để đội ngũ y tế yên tâm làm việc chứ không phải để nhân viên ỷ lại.
Từ khi mua bảo hiểm nghề nghiệp đến nay, bệnh viện vẫn chưa phải sử dụng đến mặc dù năm 2015, bệnh viện cũng xảy ra trường hợp khiếu nại bác sĩ, điều dưỡng ca trực vô cảm khiến bệnh nhân tử vong tại bệnh viện.
Tuy nhiên sau khi Hội đồng chuyên môn xác định rõ nguyên nhân tử vong do khách quan, Ban Giám đốc bệnh viện đã nghiêm túc xem xét những sai sót của kíp trực để kịp thời rút kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác chăm sóc người bệnh tại các khoa (nhất là khoa cấp cứu), gia đình bệnh nhân đã chấp nhận cách xử lý của bệnh viện.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), qua kết quả khảo sát tại 26 tỉnh thành phố với tổng số 252 bệnh viện báo cáo, có 66 bệnh viện đã thực hiện tham gia bảo hiểm trách nhiệm và 186 bệnh viện chưa thực hiện; 2/36 bệnh viện trung ương thực hiện bảo hiểm trách nhiệm là Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện 71 Trung ương; 7 bệnh viện ngành gửi báo cáo và chưa có bệnh viện nào tham gia bảo hiểm trách nhiệm.
Một số khó khăn trong việc thực hiện được các bệnh viện đưa ra là: Đơn vị đã tham gia mua bảo hiểm năm trước nhưng chưa triển khai tham gia trong năm tiếp theo vì điều kiện thủ tục yêu cầu giải quyết rủi ro, bồi thường còn khó khăn; tại các địa phương chưa có dianh nghiệp giới thiệu sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm (như Cao Bằng…); các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm và các bệnh viện tự tìm hiểu, thỏa thuận, ký kết hợp đồng hay do cơ quan có thẩm quyền quyết định chỉ định thực hiện (đối với các bệnh viện ngành)…