Bán rùa cảnh trên Facebook, nhận 6,5 năm tù
Đối tượng chuyên bán rùa cảnh ở TPHCM bị phạt 6,5 năm tù; 1 phụ bếp ở Huế bị phạt 270 triệu đồng do tàng trữ cá thể kỳ đà vân.
Ngày 16/11, Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức tuyên phạt Nguyễn Anh Thắng 6 năm 6 tháng tù giam về hành vi nuôi nhốt trái phép động vật quý hiếm (ĐVQH).
Trước đó, ngày 18/8/2020, Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an quận 9 (nay là Công an TP. Thủ Đức) đã theo dõi và phát hiện, tịch thu 64 cá thể rùa quý hiếm đang bị nuôi nhốt trái phép tại nhà đối tượng Nguyễn Anh Thắng (SN 1985, trú tại Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM).
Được biết, Nguyễn Anh Thắng là đối tượng chuyên rao bán các cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube và Zalo.
Hình ảnh Thắng rao bán rùa trên mạng xã hội |
Qua kết luận giám định, 64 cá thể rùa tại nhà đối tượng Thắng gồm 4 cá thể rùa phóng xạ, 6 cá thể rùa sao Myanmar, 12 cá thể rùa sao Ấn Độ, 3 cá thể rùa da báo, 39 cá thể rùa Sulcata. Số rùa này không có trong tự nhiên ở Việt Nam.
Trong đó, rùa phóng xạ, rùa sao Myanmar và rùa sao Ấn Độ là các loài ĐVHD được liệt kê trong Phụ lục I Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Với số lượng lớn tang vật là các loài ĐVHD được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật quốc tế, đối tượng Thắng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt từ 10-15 năm tù giam đối với cá nhân.
Cũng vào ngày 16/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định xử phạt ông Cao Văn Hoàng (SN 1984, trú phường Trường An, TP. Huế) về hành vi "Tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật".
Cao Văn Hoàng là phụ bếp của nhà hàng Sơn Hải 3 tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Ông Hoàng bị lực lượng liên ngành Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy phát hiện, lập biên bản khi đang tàng trữ một cá thể kỳ đà vân (tên khoa học Varanus nebulosus), có trọng lượng 1,2kg, còn sống. Ông Hoàng khai con kỳ đà vân này do ông mua về.
Kỳ đà vân là loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam nhóm IB - mức độ cực kỳ nguy cấp, quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại.
Cá thể kỳ đà vân (tên khoa học Varanus nebulosus), có trọng lượng 1,2 kg đang còn sống |
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xử phạt ông Cao Văn Hoàng số tiền 270 triệu đồng, đồng thời tịch thu cá thể kỳ đà vân để cứu hộ, chăm sóc và chuẩn bị thả về thiên nhiên theo quy định. Chủ nhà hàng Sơn Hải 3 bị xử phạt 10 triệu đồng về hành vi tàng trữ, mua bán 3 cá thể cầy vòi hương.
Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) phát hiện, lập biên bản hành vi vi phạm |
Trước đó, ngày 14/10/2021, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra nhà hàng Sơn Hải 3, phát hiện cơ sở này tàng trữ, buôn bán nhiều động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã đông lạnh, trong đó động vật còn sống có 1 cá thể kỳ đà vân.
Điều đáng nói là, nhà hàng Sơn Hải 3 đã từng cam kết với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và các loài chim trời.
Việc nuôi nhốt, mua bán rùa không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và không đáp ứng các điều kiện khác theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo loài, số lượng hoặc giá trị các cá thể, đối tượng có hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép các cá thể rùa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tối đa đối với cá nhân lên đến 15 năm tù theo quy định tại Điều 234, 244 BLHS. Hành vi quảng cáo trái phép các loài rùa bị cấm đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật như rùa phóng xạ, rùa sao Myanmar và rùa sao Ấn Độ cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt từ 70-100 triệu đồng, theo quy định tại Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), tại Việt Nam, rùa là một trong những loài thường xuyên bị nuôi nhốt hoặc buôn bán trái phép để làm cảnh. Trong năm 2020, cơ quan chức năng đã giải cứu và tịch thu 362 cá thể rùa từ các vụ việc có liên quan. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu giảm khi trong 6 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận thêm 292 cá thể bị nuôi nhốt trái phép. Đáng chú ý, hoạt động buôn bán, nuôi nhốt các loài ngoại lai như rùa đang có chiều hướng gia tăng. Hoạt động này đang tiểm ẩn nhiều nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học nếu các cá thể này bị thả về tự nhiên cũng như nguy cơ lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ ĐVHD. Đặc biệt, hoạt động buôn bán trái phép các loài ngoại lai nguy cấp, quý, hiếm như rùa sao Ấn Độ, rùa bức xạ, rùa sao Myanmar tại Việt Nam đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến công tác bảo tồn, bảo vệ các loài ĐVHD này trên toàn cầu. |
Cụ bà 75 tuổi mua 5 con kỳ đà để phóng sinh, bất ngờ bị truy tố vì nuôi nhốt động vật hoang dã
Một cụ bà 75 tuổi ở Đắk Nông bất ngờ bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” sau khi nhận nuôi 17 con kỳ đà từ một người lạ, trong đó 5 con định để phóng sinh.
Theo www.phunuonline.com.vn