Băn khoăn "có nên tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung cho con gái"
Hiện nay, có nhiều người băn khoăn có nên tiêm phòng virus HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử hay không bởi vì HPV có hàng trăm tuýp khác nhau.
Băn khoăn vì nhiễu thông tin
Chị Đỗ Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự, con gái lớn của chị Hương đã 11 tuổi. Chị nghe nói có thể tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung cho con nhưng vẫn băn khoăn có nên tiêm hay không.
Anh trai của chị Hương là bác sĩ đang sống tại Mỹ, anh có 3 cô con gái, cũng cho rằng không nên tiêm vắc xin này cho con.
Lục lại các thông tin về tiêm vắc xin HPV, chị Hương càng băn khoăn khi thấy thông tin có thống kê tại Mỹ về tiêm vắc xin HPV có hàng trăm ca tử vong đã được báo cáo.
Không chỉ có vậy, một số thông tin khác cũng đã được đưa ra, như việc tiêm phòng vắc xin HPV không ngăn ngừa hoàn toàn được ung thư cổ tử cung, ngoài ra còn tăng nguy cơ phản ứng sau tiêm…
Thống kê còn chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 5% phụ nữ nhiễm HPV thực sự dẫn tới ung thư cổ tử cung và hơn 90% phụ nữ nhiễm HPV có thể tự khỏi trong vòng 2 năm.
Để phòng bệnh ung thư cổ tử cung, những người nghiên cứu khuyên phụ nữ thay vì đi tiêm, smears pap (là phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung) có hiệu quả và an toàn hơn trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
Theo BS Nguyễn Văn Tiến – Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, khi nhiễm HPV sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Nếu bị nhiễm HPV trong bộ phận sinh dục có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung hoặc ung thư âm đạo ở phụ nữ và ung thư dương vật ở nam giới. Nó cũng có thể gây ra mụn cóc sinh dục ở phụ nữ và nam giới.
Nhiễm trùng HPV quanh hậu môn có thể gây ung thư ống hậu môn ở phụ nữ và nam giới. Nhiễm HPV trong miệng và cổ họng có thể dẫn đến ung thư hốc miệng và ung thư vùng hầu ở phụ nữ và nam giới.
Hầu hết những người bị nhiễm HPV ở bộ phận sinh dục hoặc miệng và cổ họng không diễn tiến thành ung thư mà có thể tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, BS Tiến cho rằng rất khó để biết người nào sẽ bị ung thư sau khi bị nhiễm HPV. Thuốc chủng ngừa HPV là một cách tốt nhất để cố gắng ngăn ngừa nhiễm bệnh ngay từ đầu.
Bác sĩ Tiến cũng xác nhận thắc mắc của nhiều người về việc vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung chỉ ngừa được 1 số tuyp là hoàn toàn đúng.
Ông cho biết không có vắc xin nào bảo đảm ngăn ngừa cho hàng trăm tuyp virus HPV.
Các vắc xin ngừa HPV đang lưu hành lựa chọn ngăn ngừa một số chủng nguy hiểm nhất nhắm vào ung thư cổ tử cung và tiền ung thư cổ tử cung. Hiện nay trên toàn cầu có ba loại vắc-xin HPV và mỗi vắc xin này có tác dụng bảo vệ, ngăn ngừa đối với các tuyp virus HPV khác nhau.
Ví dụ vắc xin Gardasil-9 của Mỹ giúp ngăn ngừa 9 chủng HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58). Gardasil giúp ngăn ngừa bốn loại HPV (6, 11, 16 và 18).
Cervarix của Bỉ giúp ngăn ngừa nhiễm HPV loại 16 và 18.
BS Tiến cho biết có nhiều người nêu câu hỏi có nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung hay không. Với lối sống hiện đại, giới trẻ đã yêu sớm hơn, quan hệ tình dục sớm hơn thì nên chủ động tiêm vắc xin nhất là còn trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi.
Ảnh minh họa. |
Nếu đã quan hệ tình dục thì chưa chắc đã bị nhiễm HPV, nếu có nhiễm HPV thì chưa chắc nhiễm HPV nguy cơ cao đặc biệt là HPV chủng 16-18 hay HPV mãn tính. Vì vậy, dù đã quan hệ tình dục hay chưa, miễn là còn trong độ tuổi tiêm ngừa vẫn nên tiêm – BS Tiến khuyến cáo.
Điều cần lưu ý khi tiêm văc xin HPV
BS Ngoan tư vấn tiêm chủng cho khách hàng. |
BS Phạm Thị Ngoan – Trưởng phòng tiêm chủng, Bệnh viện Đa khoa An Việt, hiện nay việc tiêm phòng HPV được thực hiện như sau:
Tiêm 3 mũi liên tiếp trong 6 tháng. Sau khi tiêm xong, người tiêm cần theo dõi tối thiểu 30 phút sau khi tiêm để đảm bảo an toàn, có thể kiểm soát được tác dụng phụ.
Trong thời gian tiêm ngừa nếu người tiêm có quan hệ tình dục thì nên sử dụng bao cao su. Nếu người tiêm vắc xin có ý định mang thai phải hoàn thành mũi tiêm thứ ba trước đó ít nhất 1 tháng.
Ngoài ra bác sĩ Ngoan lưu ý thêm, phụ nữ mang thai không được tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
Nếu trong quá trình tiêm vắc xin phát hiện mang thai cần ngưng ngay các liều còn lại. Sau khi sinh xong có thể tiêm lại vắc xin, thời gian là trong vòng 2 năm.
Dù đã tiêm phòng vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung nhưng chị em phụ nữ cũng không nên chủ quan. Hãy tập luyện thói quen duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và thường xuyên đi khám phụ khoa định kỳ để tầm soát ung thư cổ tử cung. Người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc bị bệnh cấp tính không nên tiêm vắc xin này.
Khánh Chi