Bắn chính xác như các nữ chiến sĩ Đội Cối Xuân Lộc
Những trận đánh gây tiếng vang
Những ngày này, bà Đỗ Thị Thuận không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ về những năm tháng cuối cùng của kháng chiến chống Mỹ. Đội Cối Xuân Lộc mà bà Thuận vinh dự góp công được thành lập từ năm 1968 trong bối cảnh cần thiết phải có lực lượng hỏa lực yểm trợ cho bộ binh và đây được xem là một trong những đơn vị hỏa lực nữ chiến đấu đầu tiên ở Miền Đông Nam bộ.
Bà Đỗ Thị Thuận tại phòng làm việc. (Ảnh: Phương Nguyễn) |
Gặp người nữ chiến sĩ đội Cối Xuân Lộc năm xưa, ký ức những năm tháng chiến đấu lại ùa về. Bà Thuận kể, được hình thành từ Trung đội trợ chiến của huyện Xuân Lộc sau chiến dịch năm Mậu Thân 1968 ban đầu đơn vị có 13 đồng chí trong khi chỉ có 2 khẩu cối 82 ly và 2 khẩu cối 60 ly với nhiệm vụ chiến đấu độc lập và hợp đồng tác chiến với bộ binh. Hai năm sau ngày đội cối thành lập, huyện Xuân Lộc được chia tách, nhiệm vụ của đơn vị càng quan trọng khi phải tác chiến trên địa bàn rộng hơn.
Trong thời gian này, đội Cối Xuân Lộc đã tham gia hàng trăn trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công, gây thiệt hại gần 1.000 quân số của địch, phá 5 lô cốt, 3 xe tăng, 8 khẩu pháo… Tuy là các nữ pháo binh nhưng mỗi khi Đội cối Xuân Lộc khai hoả là bắn chính xác, đến nỗi trong nhiều trận đánh, đối phương tưởng pháo của bộ đội chủ lực tham chiến.Trong đó, tiêu biểu nhất là trận đánh vào đồn 116 Định Quán của địch đêm 30/3/1972.
“Trong đêm đó, đội cối hành quân không ngừng nghỉ về cây số 114 rồi bí mật đào hầm công sự đến khuya mới xong. Toàn đơn vị nằm chờ đến 6 giờ sáng hôm sau mới nhận được lệnh khai hỏa. Lúc ban chỉ huy quân địch đang họp bàn thì đơn vị bắn 8 quả đạn 82 ly vào Chi Khu Định Quán phá hủy 2 dãy nhà quân sự, 2 kho đạn và hàng chục quân địch bị tiêu diệt”, bà Thuận bồi hồi.
Xây dựng địa phương trong thời bình
Lật lại ký ức của những ngày đầu thống nhất đất nước, bà Thuận bùi ngùi nhớ lại khó khăn chung của cả nước lúc bấy giờ. Tất cả nguồn lực đã dồn vào giải phóng miền Nam nên cái đói hiện hữu khắp mọi nơi, trang bị của đơn vị Cối cũng rất thiếu thốn trong bối cảnh bảo vệ vùng giải phóng đang còn rất nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
“Phụ cấp sau giải phóng chỉ mười mấy đồng, anh chị em trong đơn vị phải tự đi tham gia sản xuất thêm để kiếm sống”, bà Thuận chia sẻ.
Sau khi đơn vị giải thể vào năm 1976, bà Thuận đi qua nhiều cơ quan đoàn thể trong huyện và được đưa đi học thêm bổ túc văn hóa về luật, Anh văn, vi tính và chứng chỉ Đại học Kinh tế, nhờ có đó mà bà nắm vững được nhiều kiến thức để ứng dụng trong công tác.
Khi về hưu bà Thuận đã mở một văn phòng công chứng tư Thuận Tâm tại thị trấn Xuân Lộc nhằm phục vụ người dân trong địa phương, mỗi ngày giải quyết hàng chục hồ sơ cho những người có nhu cầu.
Cuốn sổ tay ghi chép nhật ký công tác của đội Cối Xuân Lộc. (Ảnh: Phương Nguyễn) |
Sau ngày giải phóng, bà Thuận là thương binh hạng 4/4, mất 35% sức lao động, chồng bà cũng là cán bộ về mất sức, hoàn cảnh kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Nhưng nhờ ý chí, nghị lực vượt khó của người lính trong thời chiến, bắt đầu từ con số 0, gia đình bà xoay sở vay vốn ngân hàng, bắt đầu trồng các cây công nghiệp như điều, tiêu, xoài,…Sau một vài năm, các cây trồng đã giúp kinh tế gia đình bà đã thay đổi rõ rệt với thu nhập bình quân từ nông nghiệp hằng năm khoảng 70 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho một số lao động trong huyện nhà.
Gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng gia đình cũng cố gắng nuôi các con ăn học cho tới nơi tới chốn. Bà Thuận có 3 người con gái, hiện giờ các chị đều đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định, có người đã lập gia đình và về sống cùng với bà tại Xuân Lộc.
Nhắc đến thế hệ sau, bà Thuận cho rằng các cựu chiến binh Xuân Lộc rất chú trọng đến việc giáo dục con em mình. Hầu hết con em họ giờ đây là những ngưởi thành đạt của quê hương Xuân Lộc anh hùng.
Không chỉ vậy, với nghĩa tình đồng đội từng vào sống ra chết, sát cánh bên nhau trên chiến trường, bà Thuận cũng như hội Cựu chiến binh huyện Xuân Lộc rất quan tâm đến việc giúp nhau làm kinh tế, tổ chức giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, cũng là để góp phần xóa đói giảm nghèo trên quê hương nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Bởi những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, Đội Cối Xuân Lộc đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT trong kháng chiến chống Mỹ.
Những kỷ niệm sâu sắc nhất về những ngày chiến đấu ác liệt bà vẫn còn lưu giữ trong cuốn sổ tay ghi chép từ ngày thành lập Đội Cối đến năm 1975, hiện giờ đang được coi là kỷ vật vô giá đối với các cựu binh trong đội nói chung và huyện Xuân Lộc nói chung.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, hơn ai hết bà Thuận và những cựu chiến binh Xuân Lộc là người hiểu rõ hơn ai hết những phút giây quý giá của hòa bình. Bởi vậy, dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn cố gắng hết sức để làm việc phục vụ nhân dân.