Bác sĩ mổ, hiến máu cứu sản phụ đờ tử cung
Nhiều bác sỹ và nhân viên y tế trong kíp mổ đã sẵn sàng sắn tay áo để cho đi những giọt máu của chính mình mang lại sự bình an, mạng sống cho người bệnh.
Ca cấp cứu xuyên đêm
Sản phụ Đào Thị Đ. 35 tuổi trú tại Huyện Đoan Hùng, Phú Thọ vào viện hồi 20h ngày 26/11/2020. Tiền sử, sản phụ đã đẻ thường 2 lần, lần này dự tính thai 40 tuần. Quá trình mang thai khoẻ mạnh.
Khoảng 19h ngày 26/11/2020 sản phụ xuất hiện đau bụng từng cơn hạ vị, tăng dần, ra nước âm đạo, đến khám có dấu hiệu chuyển dạ.
Qua kết quả thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng các bác sỹ thống nhất chẩn đoán: Thai 40 tuần chuyển dạ con lần 3, ối vỡ sớm giờ thứ nhất.
Diễn biến cuộc đẻ vì thai to, sản phụ nhiều tuổi, tiên lượng đẻ khó. Bác sỹ trực giải thích và chồng sản phụ đồng ý chuyển phương pháp. 22h, sau khi hội chẩn lãnh đạo bác sĩ chỉ định mổ, lý do vì ngôi không lọt.
22h30', cuộc mổ lấy thai kết thúc, sơ sinh là một bé gái, nặng 3,5kg, khóc tốt. Về sản phụ, sau khi lấy thai tình trạng tử cung co hồi kém. Các bác sỹ đã sử dụng tất cả các kỹ thuật cầm máu trong phẫu thuật và thuốc theo đúng phác đồ của Bộ Y tế giúp co tử cung, cầm máu… nhưng tình trạng không cải thiện.
Các y bác sĩ đã vừa mổ vừa hiến máu cứu sản phụ đờ tử cung. |
0h ngày 27/11/2020 tình trạng bệnh nhân diễn biến sấu, da - niêm mạc nhợt, tử cung không co, nhẽo, tím tái, liên tục chảy máu. Bác sĩ xác định đây là một trường hợp đờ tử cung, một trong những tai biến ít gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm trong sản khoa, sản phụ không đáp ứng với tất cả các loại thuốc hiện có.
Kíp mổ đã báo cáo giám đốc và kích hoạt báo động toàn viện. 0h20 phút Giám đốc bệnh viện trực tiếp giải thích cho chồng sản phụ, biện pháp duy nhất để cầm máu cũng có nghĩa là cứu tính mạng của sản phụ là buộc phải tiến hành cắt tử cung.
Tại thời điểm sản phụ có diễn biến xấu, bác sỹ hồi sức đã tiến hành truyền 03 đơn vị khối hồng cầu nhóm O/Rh(+) 350 Ml và 2 đơn vị Huyết tương đông lạnh B/Rh(+) thể tích 250 ml nhưng tình trạng sản phụ hoàn toàn không cải thiện.
0h40ph xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu, huyết áp tụt, mạch nhanh, nhỏ khó bắt, da niêm mạc nhợt nhạt, máu chảy ở tất cả các vị trí.
Lúc này, luật sư Nguyễn Đức Nhưng, phụ trách pháp chế bệnh viện Hùng Vương, đã đồng ý cho mổ với điều kiện kíp mổ cho phép chồng sản phụ trực tiếp vào phòng mổ để chứng kiến toàn bộ những việc đang diễn ra.
Tại đây, chồng sản phụ tận mắt chứng kiến quá trình cấp cứu, chăm sóc của các bác sỹ, hình ảnh các kỹ thuật viên và bác sỹ huyết học lấy máu ngay của chính các bác sỹ trong phòng mổ để truyền cho vợ mình trên bàn mổ.
Nhân viên y tế mệt mỏi sau ca cấp cứu và hiến máu |
Từ 0 đến 5h15 phút kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức đã phải truyền tổng số 05 đơn vị khối hồng cầu và 07 đơn vị máu toàn phần của chính chồng sản phụ và của các bác sỹ, nhân viên y tế của bệnh viện.
Cuộc mổ kéo dài đến hơn 5 giờ sáng mới kết thúc. Hiện tại sản phụ đã hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Theo luật sư Phạm Văn Học – Chủ tịch hội đồng Quản trị của Bệnh viện Hùng Vương, câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, nhiều bác sỹ và nhân viên y tế trong chính kíp mổ đã sẵn sàng sắn tay áo để cho đi những giọt máu của chính mình để mang lại sự bình an, mạng sống cho người bệnh.
Hành động đó xứng đáng được nhận lại những lời cảm ơn, sự suy tôn ghi nhận của người bệnh, gia đình người bệnh.
Theo ông Học, bệnh viện hoàn toàn tự tin, khẳng định về khoa học và pháp lý quá trình tiếp nhận, thăm khám, cuộc đẻ và cả cuộc mổ các bác sỹ đã làm hết trách nhiệm, làm tuyệt đối đúng phác đồ của Bộ Y tế, làm đúng và làm tất cả các thao tác, quy trình quy phạm, kỹ thuật có thể.
“Các bác sỹ không có bất cứ một sai sót chuyên môn nào dù là nhỏ nhất, chính nhờ sự tuân thủ và làm đúng đó mà các bác sỹ đã cứu được một người bệnh từ trạng thái thập tử nhất sinh, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Về đạo đức chúng tôi cũng hoàn toàn thanh thản, dù không cứu được tử cung của người mẹ nhưng đó là tình huống bất khả kháng” – ông Học cho hay.
Ở bệnh viện Hùng Vương hay bất cứ ở bệnh viện nào khác trên thế giới các bác sỹ cũng sẽ phải làm như vậy.
K.Chi