Cãi nhau với bạn, trẻ lớp 2 đòi nhảy sông tự tử
Bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ ngày càng gia tăng nhưng điều đáng tiếc là nhiều bậc cha mẹ không biết và thường không để ý, thậm chí coi trẻ con chưa biết gì mà trầm cảm.
Gia tăng trầm cảm ở trẻ
Theo TS Đỗ Minh Loan – trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương, trong xã hội hiện đại mối quan hệ giữa các thành viên gia đình ngày càng ít khăng khít hơn. Cha mẹ bận bịu với công việc nên nhiều khi trẻ bị rối loạn tâm lý nhưng cha mẹ không biết.
Theo TS Loan, hầu như tuần nào khoa cũng tiếp nhận 2, 3 cháu được bố mẹ đưa đến khám với triệu chứng trầm cảm, đặc biệt nghiêm trọng là trẻ muốn tự tử.
Ví dụ như trường hợp của cháu N.L.C, 11 tuổi, Hà Nội được ba mẹ đưa vào khám bệnh vì triệu chứng trẻ buồn rầu, thay đổi tâm lý.
Cha mẹ của trẻ kể khoảng 1 năm nay tâm lý của cháu thất thường, dễ cáu gắt. C. luôn nghĩ mình không hợp với ai trong gia đình đặc biệt là từ khi có thêm em trai. Cô bé nghĩ mình bị ra rìa, không ai quan tâm nên bắt đầu thay đổi tâm lý. Có những lúc C. hét lên, đánh em vì bảo tại em mà cha mẹ không thương mình.
Cha mẹ ít để tâm và có thể không tin trẻ có thể bị trầm cảm. Ảnh minh họa |
Cả nhà cứ nghĩ C. cảm thấy ghen tị với em là bình thường nhưng không nghĩ rằng đó cũng là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Chỉ đến khi C. có hành vi tự huỷ hoại bản thân. Cô bé lấy chiếc compa ra và chọc vào tay gây chảy máu. Khi mẹ hỏi thì em nói em không thích bản thân mình, cảm thấy chán ghét cuộc sống, lúc này, bố mẹ cháu mới đưa con tới bệnh viện khám.
Bác sĩ đã cho bệnh nhân điều trị tâm lý. Sau nhiều buổi can thiệp, cháu bé đã ổn định hơn, trẻ không còn ý nghĩ tự huỷ hoại bản thân và ganh ghét em trai mình nữa.
Mới đây, khoa Tâm bệnh của Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận một cháu bé lớp 2 vào điều trị. Cha mẹ cho biết chỉ vì cãi nhau với bạn mà trẻ chạy ra sông đòi nhảy xuống sông tự tử.
TS Loan cho biết có những trẻ suy nghĩ tiêu cực như muốn nhảy từ tầng 2 xuống đất để chết. Hành vi này bác sĩ thường gặp ở trẻ vị thành niên nhưng cũng có những trường hợp ở trẻ còn nhỏ tuổi.
Trẻ em ở tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý, nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý của trẻ. Vì vậy, TS Loan khuyến cáo cha mẹ cần làm bạn cùng con, lắng nghe, chia sẻ và nắm bắt tâm lý trẻ là điều cực kỳ quan trọng. Mặt khác, hạn chế trẻ sử dụng thiết bị điện tử thông minh cũng là cách để ngăn chặn tình trạng trầm cảm gia tăng.
TS Loan chỉ ra một số dấu hiệu để cha mẹ nhận biết khi trẻ bị trầm cảm
Trẻ thường có cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc vô vọng. Nhiều lúc trẻ giận dữ, cáu kỉnh hoặc thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ.
Trẻ mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết hoặc tất cả các hoạt động bình thường, chẳng hạn như sở thích hoặc thể thao.
Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
Trẻ thường xuyên mệt mỏi vì vậy ngay cả những nhiệm vụ nhỏ cũng phải nỗ lực rất nhiều.
Nhiều trẻ giảm sự thèm ăn và giảm cân hoặc ngược lại tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân, lo lắng, kích động hoặc bồn chồn, suy nghĩ chậm chạp, kém tập trung.
Trẻ có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội nhiều hoặc tội không đúng, khó suy nghĩ, khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ, có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử, có các vấn đề về cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu.
Nếu bố mẹ bạn, người thân của bạn hoặc chính bạn thấy có một trong các biểu hiện trên hãy đến bệnh viện ngay khi có thể để được sàng lọc, tư vấn và hỗ trợ.
TS Loan cho biết cha mẹ đừng chờ khi có biểu hiện vì khi trẻ có kế hoạch tự sát có thể đã muộn.
Thực tế, TS Loan kể nhiều cha mẹ đưa con vào khám nhưng cha mẹ vẫn cho rằng con mình không sao, xem thường các dấu hiệu tâm lý của trẻ. Cha mẹ thường cho rằng đó là những dấu hiệu của tuổi tiền dậy thì, tuổi mới lớn.
Khánh Chi