Bác sĩ chỉ ra sai lầm khi các bà mẹ cứ chờ 6 tháng mới cho con ăn dặm
Cho con ăn dặm vào thời điểm nào mới phù hợp là vấn đề được nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ rất quan tâm.
Chị Đỗ Thị Hồng ở thành phố Thái Bình chia sẻ, năm 2013 chị sinh con đầu lòng. Vì sữa mẹ quá ít nên chị phải sử dụng sữa ngoài thêm cho con. Khi bé được 3 tháng 10 ngày, chị thấy con hay đưa mắt nhìn theo người lớn ăn nên chị đã cho bé ăn dặm.
Nhưng việc ăn dặm chỉ suôn sẻ được vài tháng đầu, bởi sau đó, con chị bắt đầu lười ăn. Bé rất lười ăn, đến bữa ăn đều không chịu hợp tác, vì thế mỗi bữa chỉ có khoảng 1 bát cháo con nhưng cả nhà phải "đánh vật" cả tiếng đồng hồ mới xong được.
Rút kinh nghiệm từ bé đầu lòng, khi sinh bé thứ 2 chị Hồng đã cố gắng duy trì sữa cho con đến 6 tháng tuổi sau đó mới cho con ăn dặm. Tuy nhiên, sau 6 tháng chị cho bé ăn dặm thì tình trạng con lười ăn vẫn tái diến giống như bé đầu khiến chị đau đầu.
Cho con ăn dặm vào thời điểm nào vẫn là câu hỏi được nhiều bà mẹ có con nhỏ quan tâm (ảnh minh họa). |
Khi nào nên cho con ăn dặm?
Theo bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng (bác sĩ Việt tại Texas, Mỹ), qua tìm hiểu sách vở, tài liệu tiếng anh và kinh nghiệm chuyên khoa nhi gần 20 năm, ông cho rằng cho trẻ ăn dặm không nhất thiết phải chờ đủ 6 tháng.
Hiện nay thời gian bắt đầu ăn dặm được khuyến cáo từ 4-6 tháng, như vậy ăn sớm hay trễ có tác hại gì?
Bác sĩ Hưng cho rằng nếu trẻ ăn sớm quá khi trẻ chưa sẵn sàng sẽ gây nguy cơ hít sặc, ngạt, nghẹn thức ăn. Trẻ ăn dặm quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ béo phì sau này, hoặc ngược lại có thể gây suy dinh dưỡng. Nhưng nếu ăn quá trễ cũng sẽ tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, nhất là trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Sau 6 tháng, sữa mẹ không giảm chất lượng nhưng không đủ đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của trẻ. Vì thế, trẻ ăn dặm trễ dễ suy dinh dưỡng, thiếu kẽm, vitamin K, sắt,… Ăn quá trễ sẽ làm chậm phát triển chức năng vận động các cơ vùng miệng, gây phản ứng chống đối thức ăn sau này.
Trẻ sẵn sàng ăn dặm khi con giữ đầu vững, thông thường trẻ đạt mức này lúc 4 tháng. Trẻ có thể ngồi khá vững trên ghế dựa, không cần phải giúp đỡ gì nhiều. Trẻ bắt đầu hứng thú với thức ăn: trẻ nhìn người lớn ăn (dòm miệng), trẻ hả miệng khi được đút thức ăn.
Ngoài ra, trẻ có phản xạ nhè thức ăn. Trẻ con sinh ra với 2 phản xạ là phản xạ mút khi gặp ti, phản xạ này có thể tồn tại tới già. Còn một phản xạ nữa mà ít được nói tới là phản xạ nhè thức ăn, đây là một phản xạ sinh tồn nhằm bảo vệ trẻ với thức ăn hay dị vật ngoài sữa trong miệng. Khi trong miệng có dị vật ngoài sữa hay có áp lực đè lên lưỡi, lưỡi bé sẽ đẩy mạnh ra ngoài để loại bỏ dị vật này nhằm bảo vệ trẻ
Cha mẹ có thể thử phản xạ này bằng cách dùng thìa ấn nhẹ lên lưỡi của bé. Phản xạ này mất dần từ 4-6 tháng, khi phản xạ này mất thì trẻ đã sẵn sàng ăn dặm.
Vậy về cân nặng có liên quan đến việc ăn dặm của bé không? Bác sĩ Hưng cho rằng, thông thường trẻ sẵn sàng ăn dặm khi cân nặng gấp đôi so với lúc sinh, điều này chỉ có giá trị tham khảo vì cân nặng có nhiều yếu tố tác động, không quá quan trọng.
Vì thế, việc cho bé ăn dặm như thế nào, bác sĩ Hưng cho rằng phụ thuộc hoàn toàn vào con trẻ từ 4 – 6 tháng tuổi. Ví dụ trẻ đạt được các điều như trên lúc 5-6 tháng tuổi thì có thể cho bé ăn dặm được, nhưng cũng có trẻ phát triển tốt thì 4 tháng cũng có thể cho ăn được. Đối với những trẻ sinh non có thể ăn dặm trễ hơn lúc 7-8 tháng tùy theo từng trường hợp.
Kim Chi
Cháo phô mai cho bé biếng ăn, chậm tăng cân
Cháo phô mai là món ăn không thể thiếu cho bé ăn dặm bởi sự thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, cha mẹ nên lưu ý nấu cháo phô phai kết hợp với một số loại thực phẩm, rau củ phù hợp.