Bác sĩ 'bó tay' trước cách chữa tiêu chảy của gia đình bệnh nhân
Con sốt, tiêu chảy, gia đình cho trẻ uống thuốc nam. 2 ngày sau trẻ nặng lên, đến viện điều trị một ngày tích cực nhưng không tiến triển, tiên lượng nặng gia đình đã xin về.
Ảnh minh hoạ |
Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, cho biết mới tiếp nhận bệnh nhi 5 tháng ở huyện Hà Quảng - Cao Bằng đến viện trong tình trạng sốt cao co giật, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mắt trũng, bú kém, đại tiện phân lỏng đi nhiều lần, mệt mỏi, môi khô, phổi có ral ẩm 2 bên.
Gia đình bệnh nhi cho biết khi trẻ bị sốt, tiêu chảy gia đình đã cho bé uống thuốc nam. Sau 2 ngày sử dụng thuốc nam bệnh nhi có dấu hiệu gia tăng mệt mỏi, sốt cao liên tục, bú kém, ho, thở khò khè.
Gia đình đưa bé đến khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Hà Quảng và chuyển Bệnh viện tỉnh. Qua thăm khám và tổng hợp các kết quả cận lâm sàng, được chẩn đoán: Suy hô hấp/ Suy gan cấp /Viêm phổi/Tiêu chảy cấp. Sau điều trị 1 ngày tích cực nhưng không tiến triển, tiên lượng nặng gia đình đã xin về.
Theo các Bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, trong dân gian việc dùng các loại lá cây để chữa tiêu chảy là việc làm phổ biến. Tuy nhiên, sử dụng không đúng liều, không rõ nguồn gốc dẫn đến ngộ độc.
Nguyên nhân là bởi trẻ em có hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện rất dễ mắc bệnh và tiến triển rất nhanh thành tình trạng nặng nề gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Gia đình tuyệt đối không được tự ý mua và dùng thuốc, đặc biệt là những loại thuốc nam không rõ thành phần, nguồn gốc và những mẹo dân gian được truyền miệng vì có thể gây suy gan, suy thận cho trẻ và có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.
Suýt hỏng thận vì uống hoa đậu biếc chữa tiểu đường
Bác sĩ Nguyễn Trường Duy – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ về ca bệnh đái tháo đường uống hoa đậu biết dẫn tới suy chức năng thận.
Trao đổi với phóng viên Infonet sau ca bệnh thương tâm này, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho rằng, tiêu chảy ở trẻ em, nhất là với những trẻ bị tiêu chảy nặng thì tây y chữa tốt.
“Do vậy toàn thế giới không khuyên chữa tiêu chảy cấp ở trẻ em bằng đông y”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trên thực tế vào mùa hè nóng nực - thời kỳ cao điểm của các bệnh đường tiêu ở trẻ nhỏ, đặc biệt là bệnh tiêu chảy nhưng vẫn không gặp không ít những trường hợp chăm sóc trẻ không đúng cách.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết đầu tiên có thể nhắc đến là thói quen dùng nước lá ổi, lá hồng xiêm giã nhỏ chữa tiêu chảy cho trẻ. Việc làm này khiến bệnh không những không thuyên giảm mà còn kéo dài và nặng thêm.
Đáng tiếc hơn, có những trẻ vĩnh viễn không có cơ hội được làm người. Nguyên nhân theo PGS. TS Dũng là do mất nước quá nặng vì bù nước không đúng cách (sử dụng oresol dạng thực phẩm chức năng).
“Về nguyên tắc, oresol là thuốc cứu sống trẻ bị tiêu chảy, cứu rất nhiều trẻ bị tiêu chảy trên toàn thế giới. Nhưng hiện nay, người ta sản xuất oresol dạng thực phẩm chức năng, cho hương liệu vào để cho dễ uống, nhưng nó không còn là “thuốc” mà là dạng thực phẩm bổ sung.
Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi oresol vốn là thuốc chữa mất nước trong tiêu chảy, giờ sản xuất những dạng tương tự dễ khiến người dân nhầm là thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, thuốc sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn về hàm lượng, liều dùng. Mỗi lần trẻ hay người lớn đi ngoài phải uống hàng trăm ml thậm chí hàng lít oresol để bù nước, điện giải bị mất đi. Do đó, bù nước bằng oresol phải liên tục, ít một, thay nước lọc hoàn toàn mới giảm được nguy cơ mất nước, điện giải do tiêu chảy”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, tiêu chảy là bệnh dễ lây lan nếu không điều trị kịp thời sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm. Nhưng bệnh tiêu chảy hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng một số biện pháp như: Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch, xử trí đúng cách khi bị tiêu chảy cấp. Khi đó việc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nếu biết chăm sóc trẻ đúng cách, trẻ sẽ tránh được nguy hiểm, mau lành bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khoẻ như cho trẻ uống nhiều nước lọc để bù nước, tránh tình trạng mất nước dẫn đến suy kiệt, hôn mê, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Không được chủ quan hay tự ý cho trẻ sử dụng bất cứ loại thuốc mà không có chỉ định của bác sỹ vì nó có thể khiến tình trạng của trẻ trở nên trầm trọng hơn.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo cha mẹ đưa trẻ khám ngay khi có một trong những biểu hiện sau: Đi ngoài nhiều lần phân lỏng (đi liên tục); Nôn tái diễn, nôn nhiều làm trẻ không ăn uống được; Bệnh trẻ nặng hơn, có sốt hoặc sốt cao hơn; Trẻ rất khát nước; Ăn uống kém hoặc bỏ bú; Trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà.
N. Huyền